Trà Vinh: 5 dự án điện gió sẽ cung cấp 272 MW điện ra thị trường
Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án điện gió, tổng công suất lên đến 272 MW, với tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng. Những dự án này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng trong tỉnh mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của quốc gia.
Ngày 26/03/2025, UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án điện gió tại thị xã Duyên Hải, có thời gian hoạt động 50 năm. Sau đó, tỉnh này sẽ đấu thầu tìm nhà đầu tư thực hiện các dự án. Các dự án bao gồm: Nhà máy điện gió V1-5 và V1-6 giai đoạn 2 có công suất 80MW, diện tích 3,5ha đất và 290,3ha biển, với tổng vốn đầu tư 3.864 tỷ đồng; Nhà máy điện gió V1-2 mở rộng có công suất 48MW, diện tích 2,5ha đất và 210ha biển với tổng vốn đầu tư 2.393 tỷ đồng.
Nhà máy điện gió Đông Hải 3 có công suất 48MW, diện tích 4ha đất và 305ha biển với tổng vốn đầu tư 2.771 tỷ đồng; Nhà máy điện gió V1-1 Trà Vinh giai đoạn 2 có công suất 48MW, diện tích 7ha đất và 200ha biển với tổng vốn đầu tư 2.546 tỷ đồng; Nhà máy điện gió V1-3 giai đoạn 2 có công suất 48MW, diện tích 1,5ha đất và 119,4ha biển với tổng vốn đầu tư 2.257 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động 5 dự án điện gió tại Trà Vinh cung cấp 272 MW điện ra thị trường.
Trước đó, vào ngày 02/5/2024, UBND tỉnh đã bổ sung 8 dự án điện gió với tổng công suất 464MW vào kế hoạch kêu gọi đầu tư năm 2024, phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2050. Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có một số nhà máy điện gió đang hoạt động, bao gồm: Đông Hải 1, Hiệp Thạnh, V1-2 và Hàn Quốc - Trà Vinh.
Với tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỷ đồng, các dự án điện gió ở Trà Vinh sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mỗi dự án không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm trong suốt quá trình xây dựng và vận hành mà còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như xây dựng, vận tải, và sản xuất thiết bị năng lượng. Khi các nhà máy điện gió đi vào vận hành, Trà Vinh sẽ trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. Các dự án điện gió tại Trà Vinh sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu này. Với việc sử dụng các tua bin gió hiện đại và thân thiện với môi trường, các dự án này không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn cung cấp một nguồn năng lượng tái tạo, sạch, ổn định. Điều này giúp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái ven biển, đồng thời giúp Việt Nam đạt được cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Ngày 26/03/2025, UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án điện gió tại thị xã Duyên Hải, có thời gian hoạt động 50 năm.
Các dự án điện gió tại Trà Vinh được thiết kế với công nghệ tiên tiến như tua bin gió hiện đại, công nghệ móng đơn monopile và cáp ngầm truyền tải điện. Những công nghệ này không chỉ đảm bảo hiệu suất cao mà còn tăng cường tính bền vững của dự án. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến cũng sẽ tạo cơ hội cho các kỹ sư và chuyên gia trong nước phát triển các kỹ năng và kiến thức mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Trao đổi với PetroTimes, TS. Dư Văn Toán cho biết, Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo ổn định và không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài như nhiên liệu hóa thạch. Việc phát triển các dự án điện gió ở Trà Vinh không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu mà còn góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mỗi megawatt điện gió được sản xuất tại Việt Nam giúp giảm thiểu nguy cơ gián đoạn cung cấp điện từ các nguồn không ổn định và hỗ trợ lưới điện quốc gia trong việc cung cấp điện liên tục và ổn định.
Hiện nay, Trà Vinh đang định hướng phát triển khoảng 10.000 MW điện gió ngoài khơi trên vùng biển ngoài khơi 6 hải lý, góp phần thúc đẩy năng lượng xanh và phát triển kinh tế biển. Trong tương lai, theo TS Dư Văn Toán, Trà Vinh cần có tầm nhìn dài hạn, mở rộng hơn với các dự án như xây dựng chuỗi cung ứng cho năng lượng tái tạo, phát triển các khu công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, cảng điện gió, khu công nghiệp hydrogen, cụm đảo nhân tạo ngoài biển, và kết nối với các cơ sở hạ tầng giao thông như sân bay.

TS Dư Văn Toán (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn điện, các dự án điện gió ở Trà Vinh còn thúc đẩy sự phát triển hạ tầng kỹ thuật tại địa phương. Các dự án yêu cầu xây dựng hệ thống điện truyền tải, cơ sở hạ tầng giao thông, và các cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình vận hành. Điều này sẽ giúp Trà Vinh không chỉ có nguồn điện sạch mà còn phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai.
“Trà Vinh đang tạo ra một môi trường hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án điện gió mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và tài chính. Sự tham gia của các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng sẽ giúp tỉnh tận dụng tối đa tiềm năng của mình và tiến tới xây dựng các dự án có quy mô lớn hơn trong tương lai”- TS. Dư Văn Toán nhận định.
Khi hoàn thành, 5 dự án điện gió ở Trà Vinh sẽ cung cấp tổng công suất 272 MW ra thị trường. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh và quốc gia. Những dự án này không chỉ tạo ra nguồn điện sạch, góp phần bảo vệ môi trường, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng và nâng cao an ninh năng lượng quốc gia.