Con đường huyền thoại trong huyền thoại
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường Trường Sơn huyền thoại đã trở thành nơi đọ sức, đấu trí căng thẳng và ác liệt nhất giữa quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược.

Trên cung đường 20 Quyết thắng - một nhánh của đường Trường Sơn, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP (Quảng Bình) đã được xây dựng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Bích Nguyên
Để chi viện xăng, dầu cho chiến trường miền Nam, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, thanh niên xung phong đã vượt qua mưa bom, bão đạn, thiết lập nên tuyến đường ống xăng dầu dài 1.400km, từ Nam Đàn, Nghệ An vào Bù Gia Mập, Bình Phước. Đây là một kỳ tích lịch sử, một huyền thoại được viết nên bởi những thế hệ người Việt Nam mang trong mình khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước. Và đó là con đường huyền thoại trong huyền thoại, như lời cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã từng khẳng định.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, việc cung cấp xăng dầu cho miền Nam thêm chồng chất khó khăn. Bộ đội phải lót ni lông vào ba lô gùi xăng vào chiến trường. Nhưng phương pháp thủ công này hiệu suất không cao, bộ đội bị nhiễm độc do xăng thấm vào người. Bộ đội Trường Sơn cũng đã nghĩ ra sáng kiến dùng câu lồ ô, nẹp chặt bằng dây cao su làm đường ống dẫn dầu nhưng hiệu quả thấp, lượng xăng dầu bị hao hụt lớn, không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường.
Từ cuối năm 1969, do được Liên Xô, Trung Quốc viện trợ loại đường ống mới, mỗi đoạn dài 6m, nặng hơn 30kg, từng đoạn có thể tháo rời, lắp ghép với nhau dễ dàng, bộ đội xăng dầu bắt đầu xây dựng các tuyến đường ống, các trạm bơm, các kho xăng dầu dọc theo tuyến đường Trường Sơn. Khó khăn lớn nhất là phải bắc đường ống đi qua những địa hình hiểm trở và thường xuyên bị không quân Mỹ đánh phá. Mỗi mét đường ống, mỗi trạm bơm, mỗi kho xăng như một quả bom nổ chậm, chỉ một tia lửa, một mảnh văng của bom đạn cũng có thể biến cả hàng trăm ki lô mét đường ống thành một dòng sông lửa.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng vẫn nhớ về những ngày tháng là kỹ sư thiết kế, thi công đường ống xăng dầu Trường Sơn: “Ở cửa khẩu đường 12, tuyến đường ống đi qua là đất đá nghiền thành bột như đá vôi. Có khi hôm nay nó đánh, ngày mai nó phát hiện mình sắp vượt qua yên ngựa là bom nó đánh tan tành. Rất nhiều đội khảo sát đi tìm tuyến như thế là có những đồng chí hi sinh. Thực sự trong 3 tháng đó cũng có ý kiến nản vì không biết được là có đưa được xăng dầu qua cửa tử này không. Nhưng cuối cùng, các kỹ sư đã đề xuất một phương án táo bạo, đưa đường ống lên cao nhất của khu vực đó. Cái đỉnh đấy chắc là người Mỹ không ngờ tới vì họ chỉ đánh chỗ thấp. Tất nhiên là đã đưa lên đỉnh cao nhất về kỹ thuật là cũng phải mạo hiểm. Bởi đường ống chịu tải áp suất cao, sẵn sàng vỡ”.
Không quân Mỹ bắn phá ngày đêm, biệt kích, thám báo Mỹ lùng sục khắp tuyến đường, gây cho bộ đội đường ống rất nhiều khó khăn. Có thời điểm trạm bơm, tuyến đường bị bắn cháy làm cho việc cung cấp, vận chuyển xăng dầu bị gián đoạn. Đặc biệt, khi Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đang trong thời điểm gấp rút, chuẩn bị tiến hành thì địch dùng không quân bắn cháy một trạm bơm xăng, toàn bộ kíp thợ và kỹ sư trong đó hi sinh. Tình huống đặt ra cho bộ đội đường ống một bài toán hết sức nan giải. Trạm bơm bị phá hủy, xăng không thể vượt đường 9, điều đó cũng có nghĩa là xe tăng, ô tô, lượng binh khí, kỹ thuật không thể cơ động vào chiến trường, tham gia chiến dịch. Chậm ngày nổ súng là bỏ lỡ thời cơ. Trong tình huống đó, bộ đội đường ống đã nghĩ ra phương pháp bơm vượt tuyến. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ lại lần khắc phục sự cố đó.
“Các kỹ sư sau khi tính toán đã áp dụng lý thuyết bơm vượt trạm. Trong tình huống quân sự có xác định tình huống là nếu một trạm bơm bị đánh cháy thì phải bơm vượt qua trạm bơm đó. Và máy bơm ở Đông Trường Sơn phải bơm vượt 70 cây số để nối vào một trạm bơm khác ở Nam đường 9. Và đó là một chiến thắng trong cuộc đấu trí với không lực Hoa Kỳ” - Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn là nơi tập trung cao điểm, ác liệt nhất những đánh phá của quân thù. Tất cả những loại vũ khí mới, thông minh, hiện đại, những loại bom đạn có sức công phá, hủy diệt lớn, những chất độc hóa học giết người hàng loạt đều được quân đội Mỹ sử dụng để ngăn chặn chi viện từ miền Bắc. Thế nhưng, hệ thống đường Trường Sơn, gồm rất nhiều loại hình trong đó vẫn vượt đèo cao, suối sâu, vượt núi sông hiểm trở, vươn xa, vươn dài tới chiến trường miền Nam, tạo nên một kì tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.

Cung đường 20 Quyết thắng năm xưa đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ. Bây giờ, con đường này là tuyến đường kết nối các điểm di tích lịch sử như hang Tám cô, hang Y tá... ghi dấu những hy sinh của hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong dưới bom đạn của Mỹ để bảo vệ hành lang vận tải lương thực, thực phẩm, nhiên nhiên từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Ảnh: Bích Nguyên
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế phân tích: “Có người Mỹ đã từng nhận xét: Đường Trường Sơn là một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Hệ thống đường Trường Sơn gồm rất nhiều các loại hình trong đó. Có đường bộ, đường ống xăng dầu, đường sông, đường kín, kể cả đường thông tin, vận tải... Tất cả đã tạo nên một hệ thống đường mà có lẽ trong lịch sử chiến tranh của nhân loại chưa bao giờ có một hệ thống như thế. Chúng ta cũng rất tự hào vì các thế hệ đi trước đã làm nên một kỳ tích như thế”.
Đất nước Việt Nam có địa hình chia cắt, hẹp theo hướng Đông - Tây, dài theo hướng Nam - Bắc, phía Tây tựa sơn, phía Đông vọng biển, do vậy, việc bảo đảm xăng dầu cho các hướng chiến trường trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cần phải được tính toán, chuẩn bị các phương án dự phòng từ sớm. Từ những bài học, kinh nghiệm xây dựng tuyến đường ống xăng dầu trong chiến tranh chống Mỹ, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để kế thừa, vận dụng, tìm ra phương thức bảo đảm xăng dầu phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Anh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam cho rằng: “Trong điều kiện mới của chiến tranh hiện đại thì theo tôi, việc bảo đảm vật chất hậu cần nói chung, bảo đảm xăng dầu nói riêng cho các hướng chiến trường, các hướng chiến dịch vẫn là việc mà chúng ta cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa; phải tận dụng các đường ống của quốc gia, những đường ống cố định đã lắp đặt sẵn. Đồng thời, bộ đội đường ống cần phải có những phương án để chuẩn bị lắp đặt, vận hành những tuyến đường ống chiến lược để vận chuyển cho các hướng chiến trường, chiến dịch mà chúng ta đã chuẩn bị sẵn. Có như vậy, chúng ta mới có thể bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng khẳng định: Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó. Trong 7 năm, từ ngày mở đường đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hệ thống đường ống xăng dầu trên tuyến đường Trường Sơn đã chi viện cho miền Nam 5,5 triệu mét khối xăng dầu. Máu xương của biết bao cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, thanh niên xung phong đã ngã xuống cho ngày đất nước được tự do, thống nhất. Bộ đội xăng dầu đã đóng góp xứng đáng làm nên chiến tích, huyền thoại của đường Trường Sơn - con đường biểu trưng cho ý chí và khát vọng thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc Việt Nam.