Nâng chất lượng đào tạo lao động cho doanh nghiệp

Xác định rõ tầm quan trọng của nhân lực có tay nghề, ngành chức năng, địa phương, nhất là các đơn vị dạy nghề trong tỉnh đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo để từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho người học sau tốt nghiệp.

Hiệu quả mô hình hợp tác đào tạo

Toàn tỉnh hiện có 53 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2020-2024, trung bình mỗi năm các cơ sở tuyển sinh, đào tạo khoảng 30 nghìn người; trong đó, trình độ cao đẳng gần 1,7 nghìn người, trung cấp hơn 5,2 nghìn người, còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34%, cao hơn bình quân cả nước 6,5%. Qua kết quả tổng hợp, đánh giá của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có từ 92 - 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp được doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp; mức lương bình quân đạt 10,5 triệu đồng/tháng. Đây là kết quả liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo.

 Bộ phận tuyển dụng Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT tư vấn các vị trí việc làm với sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.

Bộ phận tuyển dụng Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT tư vấn các vị trí việc làm với sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Newwing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung) hợp tác xây dựng mô hình đào tạo “50 - 50”. Theo đó, thời gian học lý thuyết tại trường là 50%; 50% còn lại dành cho thực hành tại doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp tài trợ một phần học phí cho khoảng 300 sinh viên (khoảng 1,7 tỷ đồng/năm) khi đăng ký tham gia mô hình. Sinh viên sẽ được hướng dẫn, đào tạo theo vị trí việc làm mà công ty đang có nhu cầu tuyển dụng.

Một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT; Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Lens Việt Nam có chính sách để thu hút nhân lực chất lượng cao như: Quan tâm đào tạo định hướng; hỗ trợ bồi dưỡng ngoại ngữ với nhân viên mới; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chương trình phát triển tài năng cho sinh viên năm cuối trường nghề hoặc lao động mới.

Tại Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang, tổng quy mô tuyển sinh năm học 2024-2025 gần 1 nghìn học sinh. Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cùng với chủ động rà soát, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo, từ năm 2018 đến nay, nhà trường liên kết với 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai mô hình “Học - Thực hành - Làm việc”; bảo đảm tổ chức cho 100% học sinh, sinh viên năm cuối được thực hành trong dây chuyền sản xuất. Hơn 80% học sinh tốt nghiệp có việc làm, nhiều em được tuyển dụng tại doanh nghiệp vừa học vừa làm trước đó”.

Chị Hoàng Thị Yến (sinh năm 2003), xã Canh Nậu (Yên Thế) chia sẻ: “Năm học cuối, tôi cùng các bạn được trường liên hệ vào thực tập tại Công ty cổ phần May thời trang Hà Thanh (Hiệp Hòa) trong thời gian 3 tháng. Doanh nghiệp cử bộ phận chuyên môn tận tình hướng dẫn, chúng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp với dây chuyền sản xuất. Giữa năm 2024, sau khi tốt nghiệp khoa may thời trang, tôi nộp hồ sơ ứng tuyển, đủ điều kiện được công ty nhận vào làm ở vị trí kỹ thuật chuyền may. Hiện mỗi tháng tôi có thu nhập gần 11 triệu đồng”.

Dạy nghề trọng điểm, đáp ứng thị trường

Năm 2025, dự báo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 120 nghìn lao động; giai đoạn 2025-2030 cần khoảng 95 nghìn người/năm. Trong đó, mỗi năm, doanh nghiệp cần khoảng 7 nghìn lao động có trình độ từ trung cấp trở lên. Trong chính sách tuyển dụng, mức thu nhập theo thỏa thuận của doanh nghiệp được đưa ra để thu hút lao động kỹ thuật đạt từ 10-15 triệu đồng/người; lao động quản lý từ 15 triệu đồng trở lên. Bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng Phòng Tuyển dụng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare - ICT cho biết: “Hằng năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển khoảng 2 nghìn lao động chất lượng cao cho các vị trí kỹ thuật, quản lý. Công ty xem đây là nhân lực “nguồn”, ưu tiên bố trí đào tạo tại Đài Loan (Trung Quốc) khi lao động đạt các tiêu chí về trình độ ở từng vị trí công việc”.

Để đón đầu xu thế tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, các trường nghề chủ động lựa chọn nghề trọng điểm, phù hợp để tuyển sinh. Từ năm học 2017-2018 đến nay, kết quả tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang luôn vượt chỉ tiêu được giao.

Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện trường lựa chọn đào tạo 20 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, công nghệ ô tô, may thời trang. Đơn vị đang phối hợp với các trường đại học, cao đẳng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc mở nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về một số chuyên ngành mới. Đặc biệt, liên kết đào tạo, tuyển dụng sinh viên ngành công nghiệp bán dẫn với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (Khu công nghiệp Vân Trung) và ngành cơ khí tự động hóa với Công ty trách nhiệm hữu hạn SEOJIN Việt Nam (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng).

Dự báo nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục tăng trong những năm tới. Bởi vậy, để cung ứng nguồn lao động có trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, từ năm 2024, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thu hút lao động. Các đoàn công tác được tỉnh thành lập tổ chức các cuộc làm việc tại nhiều tỉnh và các trường đại học, xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối trong tuyển dụng nhân lực giữa doanh nghiệp và người lao động.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, với vai trò của mình, ngành sẽ đẩy mạnh thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tới lao động; ưu tiên hỗ trợ tuyển dụng cho doanh nghiệp tổ chức tốt hoạt động liên kết đào tạo với trường nghề, có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao, góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-chat-luong-dao-tao-lao-dong-cho-doanh-nghiep-postid418679.bbg
Zalo