Nâng cao ý thức giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hướng đi bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức giảm nghèo.

Từ đó, bà con tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm chi tiêu để vươn lên thoát nghèo.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cho hộ nghèo

Làng Bung Bang Hven (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) có 118 hộ, trong đó 113 hộ DTTS. Trưởng thôn Đinh Hoan cho hay: Hiện làng còn 1 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Năm 2024, làng được công nhận đạt chuẩn làng nông thôn mới.

Để có được kết quả này, chính quyền xã tích cực vào cuộc cùng với Ban Nhân dân thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo bền vững. Xã phối hợp mở các lớp học nghề về xây dựng, trồng rau an toàn dành cho người dân.

Ngoài ra, xã còn vận động những người trong độ tuổi lao động tham gia các lớp học nghề để tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.

Gia đình anh Đinh Choay (làng Bung Bang Hven) thuộc diện hộ nghèo. Bản thân ông bị tật bẩm sinh nên gặp khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Nhiều năm liền, gia đình ông phải sống trong căn nhà dột nát mà không có tiền sửa chữa.

Vừa qua, xã Yang Bắc đã hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Nhà nước để gia đình anh làm nhà. Có được nguồn lực này, gia đình ông mạnh dạn vay thêm ngân hàng và bà con dòng họ để xây dựng ngôi nhà kiên cố với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Anh Choay phấn khởi nói: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà gia đình tôi có được căn nhà mới khang trang. Từ nay, gia đình tôi yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

 Gia đình anh Đinh Choay (làng Bung Bang Hven, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) bên căn nhà mới. Ảnh: L.H

Gia đình anh Đinh Choay (làng Bung Bang Hven, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) bên căn nhà mới. Ảnh: L.H

Còn tại xã Ia Kreng (huyện Chư Păh), công tác giảm nghèo cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Xuân cho hay: Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, xã phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực sản xuất.

Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để người dân vận dụng vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập.

Hiện nay, người dân xã Ia Kreng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất. Điển hình như dân làng Doch 1 và Doch 2 đã tận dụng nguồn nước dẫn từ đỉnh núi về để chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cà phê xen cây ăn quả. Từ đó, đời sống của người dân ngày càng cải thiện.

Anh Siu Nhin (làng Doch 2) chia sẻ: Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, đầu năm 2020, anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi 4 sào bời lời sang trồng hơn 700 cây cà phê và cây ăn quả. Vườn cà phê đủ nước tưới lại được chăm sóc đúng quy trình nên phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình được cải thiện và vươn lên thoát nghèo.

“Bây giờ, cả 3 người con của tôi đều vào các trường đại học, cao đẳng. Con gái đầu học Đại học Dược ở Đà Nẵng đang làm việc tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai. Cháu thứ 2 vừa học xong ngành Kế toán ở Trường Cao đẳng Gia Lai. Con gái thứ 3 đang học năm thứ nhất Đại học Luật ở Huế. Cuộc sống của gia đình tôi giờ cũng đã thay đổi nhiều rồi”-anh Nhin phấn khởi cho hay.

 Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cuộc sống gia đình anh Siu Nhin (bìa phải, làng Doch 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) ngày càng cải thiện. Ảnh: Đ.Y

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cuộc sống gia đình anh Siu Nhin (bìa phải, làng Doch 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) ngày càng cải thiện. Ảnh: Đ.Y

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được xã Ia Kreng quan tâm thực hiện. Ông Rơ Châm Thum-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Kreng-chia sẻ: Toàn xã có 1.200 người trong độ tuổi lao động, số lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 93%. Đời sống người dân vì thế được cải thiện rõ nét. Cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 37,6% (tương đương 220 hộ).

Tiếp tục nâng cao ý thức giảm nghèo

Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, huyện Đak Pơ đã phối hợp với các đơn vị mở một số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bà Trịnh Thị Thanh Hòa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2024, các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm, thu hút 1.583 lượt người tham gia.

Cũng trong năm, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 351 lao động nông thôn với các nghề như: trồng rau an toàn; canh tác lúa năng suất cao; nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò, gà...

Cùng với đó, huyện còn quan tâm phát triển các tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã để vận động người dân tham gia, tạo môi trường giao lưu trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập.

“Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Đak Pơ đã đạt những kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo. Đến năm 2024, toàn huyện còn 607 hộ nghèo (chiếm 5,16%), 1.008 hộ cận nghèo (chiếm 8,58%)”-bà Hòa thông tin thêm.

 Đường đi qua làng Krăi (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đang được đầu tư, ngày càng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Đ.Y

Đường đi qua làng Krăi (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đang được đầu tư, ngày càng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Đ.Y

Trong khi đó, ông Trần Oanh Tuấn-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Păh-cho hay: Những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông giúp việc vận chuyển nông sản của người dân được thuận lợi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

Cùng với đó, huyện cũng tích cực kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là các sản phẩm chủ lực như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu... Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để bà con phát huy nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,46%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 16,47%.

Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Với mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,02%, Sở tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

Theo đó, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Đồng thời, ưu tiên đầu tư nguồn lực giảm nghèo cho khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống, các xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, Sở phối hợp với các địa phương hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để từng bước nâng cao thu nhập.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nang-cao-y-thuc-giam-ngheo-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huong-di-ben-vung-post303915.html
Zalo