Kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025

Để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần như đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết.

Theo Báo cáo của FTSE công bố vào tháng 10.2024, Việt Nam gần như đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết, chẳng hạn như đáp ứng được tiêu chí "Settlement Cycle” (DvP) liên quan đến giao dịch không ký quỹ.

Điều này đã được khắc phục trong tháng 11.2024 và cần thêm thời gian để các công ty chứng khoán xác định cơ chế vận hành ổn định trước khi FTSE thu thập ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư tổ chức, qua đó đủ cơ sở cho việc nâng hạng.

Chứng khoán KBSV kỳ vọng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng vào tháng 9.2025 và chính thức được nâng hạng vào tháng 3.2026.

Còn xét với MSCI thì tiêu chí khắt khe hơn gồm quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư và thiết lập tài khoản, quy định thị trường... và đặc biệt vấn đề liên quan sở hữu nước ngoài. Nếu không quyết liệt có thêm những bước tiến mới, khả năng nâng hạng, theo MSCI, là chưa thực sự rõ ràng trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK trong thời gian qua, thể hiện qua Thông tư 68/2024/TT-BTC và Luật Chứng khoán sửa đổi.

Theo KBSV, một bước tiến quan trọng trong tiến trình nâng hạng FTSE là việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ (non-prefunding) cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký phải chịu trách nhiệm trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không đủ tiền thanh toán, tăng cường trách nhiệm các thành viên thị trường.

Kỳ vọng tháng 3.2026 Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng

Kỳ vọng tháng 3.2026 Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng

Bên cạnh đó, quy định bắt buộc công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư quốc tế. Luật Chứng khoán sửa đổi là một cải cách với trọng tâm cải thiện hạ tầng pháp lý và nâng cao chuẩn mực TTCK.

Một trong những điểm mới là việc áp dụng cơ chế bù trừ trung tâm (CCP), giúp tăng tính an toàn và hiệu quả trong thanh toán các giao dịch chứng khoán và phái sinh.

Ngoài ra, luật bổ sung quy định chặt chẽ hơn cho chào bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng, bao gồm yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, giới hạn phát hành dựa trên vốn chủ sở hữu, và tiêu chí về hệ số nợ. Đây là bước tiến cần thiết để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và gia tăng niềm tin trên thị trường.

Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và hiện đang đi đúng với mục tiêu đạt được thị trường mới nổi vào 2025. Quyết định của FTSE được nhà đầu tư theo dõi sát sao.

KBSV duy trì quan điểm rằng diễn biến của TTCK thường có xu hướng tích cực khi có thông tin được thêm vào danh sách chờ nâng hạng hoặc được chấp thuận chính thức nhờ: Thị trường nhiều khả năng sẽ được chấp nhận ở mức định giá cao hơn bởi các nhà đầu tư. Hầu hết các thị trường trong nhóm Secondary Emerging cũng có mức định giá tích cực hơn, với mức P/E trung bình vào khoảng 16 lần, cao hơn khoảng 18% so với các thị trường cận biên.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF. Nếu được FTSE Russell chấp thuận vào nhóm Secondary Emerging market, tỷ trọng của thị trường Việt Nam vào khoảng 0,5 - 1% trong rổ FTSE Emerging Index, qua đó có thể thu hút từ 800 triệu – 1 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF, chưa kể đến dòng vốn trực tiếp và gián tiếp từ nhà đầu tư ngoại và các quỹ tham chiếu chỉ số.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho rằng để nâng hạng thị trường, cần chú trọng cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK.

“Nếu được nâng hạng mà không duy trì được chất lượng hàng hóa thì dù được nâng hạng rồi cũng sẽ bị cho xuống hạng”, ông Phụng nói và cho rằng điều này cần sự chung tay của nhiều bên, từ nhà nước đến doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các đơn vị kiểm toán…

TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)

TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)

Tại sự kiện khai trương phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025 mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đề nghị các sở giao dịch và các cơ quan liên quan quán triệt thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ được giao.

"Vận hành thị trường ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh an toàn trong mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nỗ lực nâng hạng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới", bà Phương lưu ý các đơn vị.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch và công ty lưu ký cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, tháo gỡ vướng mắc của họ để đảm bảo mục tiêu nâng hạng năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng giao Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, triển khai chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030. Trong đó năm 2025, thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh ngành này phải đảm bảo giao dịch vận hành liên tục, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ trong giao dịch…

Ngoài ra, ông Thắng nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra xử lý nghiêm sai phạm, vi phạm trên TTCK; hạn chế tác động tâm lý do tin xấu tin độc trên TTCK, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam với thị trường thế giới.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ky-vong-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-duoc-nang-hang-trong-nam-2025-227926.html
Zalo