Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh
Trong những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật đã thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về người khuyết tật là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp họ vượt qua những trở ngại, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện nay, cả nước có trên 8 triệu người khuyết tật, chiếm 6,11% dân số. Trong đó, có 28,3% là trẻ em (tương đương gần 2 triệu người) và khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Có khoảng 1,7 triệu người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, có trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Cũng theo Báo cáo, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Việc thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch trợ giúp người khuyết tật luôn được chú trọng. Một số chính sách trợ giúp người khuyết tật được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Các hoạt động về người khuyết tật luôn bám sát kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả thực chất. Ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, tổ chức và các đối tác…
Bên cạnh đó, hoạt động cũng có những đổi mới tích cực trong công tác truyền thông, mang lại hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội... Qua đó, giảm thiểu định kiến xã hội về năng lực của người khuyết tật, thúc đẩy chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp để người khuyết tật tự chủ cuộc sống. Các rào cản xã hội, từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện các quy định hỗ trợ cho người khuyết tật. Đồng thời, tạo thêm cơ hội để người khuyết tật vượt lên nghịch cảnh, có cơ hội chứng minh năng lực bản thân, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, năm 2024, các mặt công tác người khuyết tật đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động và trách nhiệm. Nhiều người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế…
“Việt Nam luôn chú trọng việc bảo đảm tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật. Hầu hết trẻ em, bao gồm cả những em khuyết tật nặng có thể tiếp cận các bậc giáo dục phổ quát. Với các trường hợp khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục, chúng ta cũng có những trường chuyên biệt để hỗ trợ cho họ. Nhiều trung tâm phục hồi chức năng và trường bảo trợ xã hội đã và đang thực hiện tốt hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển giáo dục cho trẻ em khuyết tật”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách về người khuyết tật
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt. Những rào cản về tâm lý, định kiến xã hội và khó khăn trong tiếp cận cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội nghề nghiệp... vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ và cơ hội phát triển của họ. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về người khuyết tật là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp họ vượt qua những trở ngại này.
Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Tô Đức, hiện nay, tiếp cận giao thông, đi lại đối với người khuyết tật vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất. Hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn, đô thị mặc dù đã được cải tạo rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế do vỉa hè, đường phố chật hẹp chưa được cải tạo để phù hợp với việc di chuyển của người khuyết tật. Các thiết bị trợ giúp người khuyết tật chưa được đầu tư trang bị đầy đủ trên các phương tiện giao thông công cộng... Vì vậy, đã hạn chế sự tiếp cận của người khuyết tật đối với các phương tiện giao thông.
Song song với đó, vẫn có nhiều công trình xây dựng trước đây, khi đưa vào sử dụng do chưa tuân thủ triệt để tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. Vị trí và hình thức cầu thang bộ thoát nạn, chiều cao lan can an toàn, độ dốc không bảo đảm sự tiếp cận cho người khuyết…
Việc xác định mức độ và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết nhẹ đạt kết quả thấp. Mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật đã được nâng lên, nhưng còn thấp. Số lượng người khuyết tật được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Hạ tầng tại các cơ sở trợ giúp người khuyết còn thiếu, thiếu ký túc xá cho người khuyết tật. Dịch vụ trị liệu tâm lý, trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết còn thiếu, chưa được đầu tư...
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật trong gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần thực hiện linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện chính sách về người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách về người khuyết tật, đặc biệt ở cấp địa phương. Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật, nhằm bảo đảm các quy định này luôn cập nhật và phù hợp với thực tiễn, giúp gia tăng tính khả thi trong việc thực thi các chính sách.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền và lợi ích của người khuyết tật. Sự đồng cảm và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật trong việc khẳng định vị trí của mình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện hơn với người khuyết tật, từ giao thông đến các cơ sở công cộng, nhằm tạo ra môi trường sống và làm việc bình đẳng cho tất cả mọi người.
Các chính sách về giáo dục và đào tạo nghề cũng cần được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Việc triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng mềm, giúp người khuyết tật có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng của họ, sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm đối tượng này. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật, nhằm mở ra cơ hội việc làm cho họ.
Đặc biệt, chính sách trợ cấp tài chính cũng cần được xem xét để bảo đảm rằng, người khuyết tật có đủ nguồn lực tài chính để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và chi phí chăm sóc, điều trị y tế. Ngoài ra, việc phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý đặc biệt cho người khuyết tật cũng là vấn đề cần được quan tâm... Từ đó, tạo ra một môi trường sống và làm việc bình đẳng, để người khuyết tật có thể phát huy tối đa khả năng của mình và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.