Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/1

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/1 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BCM và KBC

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BCM và KBC

CTCK MB (MBS)

Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam khả quan với vốn đăng ký và vốn thực hiện trong 11 tháng năm 2024 tăng trưởng lần lượt 1% và 7%. Tại thị trường phía Bắc, giá cho thuê đất KCN tăng nhẹ 5,7%. Nhu cầu tăng cao khiến một số KCN tăng giá 10% nhờ vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Tại thị trường phía Nam, giá cho thuê đất KCN.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển vốn đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc nhờ vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng và sự cởi mở trong kinh tế và chính trị: (1) Việt Nam luôn khẳng định vị thế của mình trong thương mại toàn cầu thông qua việc hình thành nhiều liên minh và hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP... (2) Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về năng suất lao động và chi phí năng lượng cho sản xuất hơn các nước khác trong khu vực.

Chúng tôi nhận thấy thị trường phía Bắc có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút vốn FDI so với thị trường phía Nam do thị trường phía Bắc có vị trí thuận lợi giáp với Trung Quốc, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ.

Tại thị trường phía Nam, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung đất mới sẽ được bổ sung sau khi bốn tỉnh công nghiệp (Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu) có quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và từ việc chuyển đổi đất cao su sang đất KCN.

Ấn Độ và Indonesia là hai đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn FDI, các nước này đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và ban hành nhiều chính sách mới để khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp đem lại giá trị cao. Bên cạnh đó, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hiệu quả chính sách ưu đãi thuế và nguy cơ thiếu điện vào giờ cao điểm là những rủi ro chính cho Việt Nam trong thu hút FDI.

Chúng tôi lựa chọn BCM và KBC dựa trên luận điểm: (1) Các KCN mới dự kiến được phê duyệt vào năm 2025, sẽ mang lại tăng trưởng dài hạn (2) Các doanh nghiệp này có kế hoạch phát hành tăng vốn để phát triển các dự án KCN trọng điểm. Rủi ro giảm giá: (1) Rủi ro suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thuê đất KCN giảm sút (2) Rủi ro giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ (3) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao sau khi Luật Đất Đai mới có hiệu lực.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu ACV

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Vận tải nội địa kỳ vọng sẽ tăng trưởng chậm nhưng ổn định trong những năm tới. Vận tải quốc tế được đánh giá là động lực tăng trưởng chính của TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) do sản lượng được ảnh hưởng tích cực từ (1) hội nhập thương mại sâu rộng và hưởng lợi từ xu hướng Trung Quốc +1 và (2) chính sách phát triển du lịch thông qua đơn giản hóa thủ tục visa.

Vietnam Airlines và Vietjet Air đang liên tục mở mới đường bay và có kế hoạch bổ sung thêm số lượng máy bay lớn, tăng đáng kể quy mô đội tàu bay so với hiện tại, tạo động lực phát triển cho sản lượng hành khách và hàng hóa, cũng như dư địa tăng trưởng cho chính các hãng hàng không, thúc đẩy đà phục hồi cho ACV.

Dự án Nhà ga hành khách T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (dự kiến hoàn thành 2025) cùng với dự án Cảng HKQT Long Thành (GĐ1 dự kiến hoạt động từ 2027) hiện là 2 dự án lớn nhất của ACV, khi hoàn thành sẽ tạo thành cụm cảng lớn ở phía Nam, đẩy mạnh sự phát triển của ngành hàng không nói riêng và kinh tế khu vực nói chung.

Mặc dù triển vọng kết quả kinh doanh của ACV là khả quan, các yếu tố hỗ trợ đã phần nào phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu. Dựa trên mức kì vọng tăng giá so với giá mục tiêu được xác định theo mô hình định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu ACV với mức giá mục tiêu là 130.700 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu của Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT – sàn HOSE) với giá mục tiêu 33.543 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 9.9x dựa trên triển vọng tích cực của thị trường vận tải biển trong năm tới.

Luận điểm đầu tư: PVT liên tục đầu tư tăng năng lực vận tải đội tàu khi nguồn cung tấn - dặm tiếp tục bị kéo căng do xung đột chính trị và hải trình bị kéo dài. Giá cước giao ngay và cho thuê định hạn tiếp tục neo cao nhờ nhu cầu tốt.

Năm 2024, PVT tăng công suất đội tàu lên 19% sv đầu năm – mua 8 tàu (2023: tăng 25% sv đầu năm – mua 12 tàu). Biên lợi nhuận gộp của thị trường quốc tế tích cực.

Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tấn-dặm vẫn tiếp tục tích cực khi biển Đỏ vẫn tiếp diễn trong khi các đơn đặt hàng mới đến 2026 mới được giao nhiều.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-61-post361176.html
Zalo