Nâng cao thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật
Hà Nam là địa phương được thiên nhiên ưu đãi khi có núi, có rừng. Tận dụng lợi thế tự nhiên, thời gian qua, nghề nuôi ong lấy mật của người dân trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Gia đình ông Trần Công Vĩnh, xã Phú Phúc (Lý Nhân) nuôi 60 đàn ong mật. Với lợi thế là địa phương có nhiều cây trồng như: nhãn, vải… ông đã đầu tư nuôi ong lấy mật từ nhiều năm nay. Ông Vĩnh cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loại cây ăn quả, nhất là cây nhãn rất sai hoa nên dự kiến lượng mật thu được tăng cao hơn so với năm ngoái. Mỗi một loài hoa lại cho hương vị mật đặc trưng khác nhau, nhưng mật ong lấy từ hoa nhãn, hoa vải có chất lượng tốt hơn, được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế hơn so với các loại mật hoa khác. Hiện nay, giá bán mật ong trên thị trường dao động từ 170 - 200 nghìn đồng/lít. Đầu vụ năm nay, tôi đã di chuyển đàn ong đi lấy mật hoa vải ở một số xã lân cận, những nơi phong phú về nguồn hoa để tận dụng tối đa nguồn mật thu được ngay từ đầu vụ.
Theo đánh giá của ông Chu Đình Tú, người trồng nhãn nhiều năm ở xã Mộc Hoàn (Duy Tiên), hoa nhãn năm nay được mùa, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện để các hộ nuôi ong đi lấy mật. Nếu thời tiết nắng đều, sản lượng mật ong thu về chắc chắn sẽ cao. Thông thường, khoảng 5 - 7 ngày là có thể "đánh mật" 1 lần, một vụ thu hoạch hoa nhãn có thể quay 5 - 6 lần cầu ong.

Thu hoạch mật ong ở hộ gia đình ông Vũ Văn Hải, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (thị xã Kim Bảng).
Với gia đình ông Vũ Văn Hải, ở thôn Do Lễ, Liên Sơn (thị xã Kim Bảng), hiện đang nuôi hơn 50 đàn ong. Tận dụng lợi thế là vùng đất bán sơn địa, vườn cây của gia đình, mô hình nuôi ong của ông luôn duy trì số lượng đàn ổn định và cho thu nhập tương đối khá. Ông Hải chia sẻ: Nuôi ong không vất vả như chăn nuôi các con vật khác, bù lại đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó. Loài ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, thời tiết, đặc biệt khói bụi và các hóa chất. Tôi nuôi ong khoảng 20 năm nay. Thời gian đầu khi mới làm, do chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Vì ong là loài sống trong một quần thể lớn, bay đi rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên dễ bị nhiễm bệnh và lây lan bệnh nhanh. Do đó, tôi luôn ý thức trong việc thu gom, vệ sinh rác thải quanh khu vực nuôi cũng như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo tôi, để tối ưu hóa năng suất và để sản phẩm từ ong trở thành hàng hóa, người nuôi cần nắm vững các đặc điểm sinh học, tập tính của đàn ong... áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Ban đầu, tôi chỉ tận dụng khu vườn để nuôi ong lấy mật cho gia đình. Sau này, thấy hiệu quả nên tôi đầu tư mở rộng, nhân đàn với mục đích lấy mật bán. Có thời điểm tôi nuôi đến hơn 100 đàn ong, 1 ngày có thể thu hoạch 100 lít. Nghề nuôi ong đã mang lại thu nhập đều đặn hằng năm cho gia đình với giá trị bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/năm tùy thuộc vào mỗi mùa hoa.
Trước đây, hoạt động nuôi ong và thu hoạch mật ở xã Liên Sơn chủ yếu được duy trì với quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát trong dân nên trong giai đoạn đầu phát triển nghề, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Từ khi thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Liên Sơn đã góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển và tạo điều kiện cho các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, phát triển đàn nuôi ong. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Liên Sơn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Như, thôn Do Lễ cho biết: Tham gia Tổ hợp tác, tôi được chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, cách phòng tránh bệnh cho ong; được kết nối, tạo điều kiện mua con giống chất lượng. Nhờ đó, hiện nay gia đình tôi đã phát triển và nuôi 40 đàn ong, hằng năm cho thu nhập tương đối ổn định.
Bên cạnh các giá trị kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn mang lại hiệu quả về môi trường sinh thái. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và nỗ lực từ cộng đồng, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển ổn định, góp phần cải thiện đời sống người dân.