Tăng trưởng tín dụng vẫn lạc quan

Dù có những quan ngại nhất định về thuế quan nhưng tín dụng dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp thúc đẩy nhu cầu vốn

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp thúc đẩy nhu cầu vốn

“Chủ yếu chảy vào sản xuất, kinh doanh”

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ cho vay của VIB tăng xấp xỉ 3% so với đầu năm. Theo đó, lợi nhuận quý I/2025 của nhà băng ước tính đạt 20 - 22% kế hoạch 11.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay và dự kiến các quý sau tăng 30 - 40% so với quý đầu năm do tín dụng cải thiện dần trong các quý tới, nhất là về cuối năm.

Tại Nam A Bank, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025; dư nợ tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14%; tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 -5) ở mức 2,23%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 54%. Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, nguồn vốn tín dụng trong những tháng đầu năm chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Thông tin từ TPBank cho biết, dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong quý đầu năm, đạt khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 của nhà băng này là 18%.

Tại ACB, theo Tổng giám đốc Từ Tiến Phát, ước tính trong quý I/2025, tín dụng tăng hơn 3%, huy động vốn tăng trên 2%. Trong bối cảnh nợ xấu trên toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn giảm nhẹ, ở mức 1,34% vào cuối quý vừa qua, qua đó giúp Ngân hàng gia tăng hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận quý I/2025 của ACB ước tính thực hiện được 20% của kế hoạch 23.000 tỷ đồng trước thuế.

Theo CEO ACB, tín dụng của khu vực doanh nghiệp lớn chiếm đến 50% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong khi ACB mới chiếm 1% trong tổng thị phần chung, do đó còn dư địa lớn để phát triển. Hiện dư nợ của mảng doanh nghiệp lớn tại ACB tập trung vào doanh nghiệp đầu ngành, có hệ sinh thái lớn, không tập trung vào một thị trường cụ thể, có độ phân tán rủi ro.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực II đưa ra, đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3.998.000 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ hai năm trước, lần lượt ở mức 0,96% và 1,25%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực II cho biết, hoạt động tín dụng trên địa bàn TP.HCM tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Trong đó, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu. Trong đó, tín dụng cho các lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng, nông lâm nghiệp, vận tải kho bãi… đều có tốc độ tăng trưởng trên 1,5%.

Đáng chú ý, tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM tăng trưởng cao hơn tín dụng VND trong quý đầu năm. Cho vay ngoại tệ là cho vay có điều kiện, đối tượng là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Diễn biến này, theo ông Lệnh, phản ánh hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cũng như sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Kinh tế TP.HCM quý I/2025 có mức tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm trở lại đây, với GRDP đạt 7,51%, cùng với diễn biến tích cực từ các thị trường hàng hóa, bất động sản và tiêu dùng được cải thiện (doanh số bán lẻ, tín dụng tiêu dùng tăng) là yếu tố thuận lợi và là động lực tác động trở lại để tín dụng trên địa bàn tăng trưởng hiệu quả trong 3 tháng đầu năm và những tháng tiếp theo.

Thuế quan không tác động lớn

Chỉ trong vòng 1 tuần, từ 12/3 - 20/3/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,74%, tương đương quy mô hơn 115.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến ngày 25/3/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 2,5% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,26%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại ngày 25/3/2025 tăng 1,36% so với cuối năm 2024. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức giảm 0,76%, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống.

Trước đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/3/2025 đạt 1,24% so với cuối năm 2024 và đến ngày 20/3/2025 đạt mức tăng 1,98% so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần từ 12/3 - 20/3/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,74%, tương đương quy mô hơn 115.000 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng trên, nhiều khả năng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ vượt mức 16 triệu tỷ đồng ngay trong quý I/2025, hoặc đầu quý II/2025.

Để thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đề ra, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025. Chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động để ổn định lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/3/2025, lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng đã giảm 0,4%/năm so với cuối năm 2024.

Ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nam A Bank kỳ vọng, tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tiếp theo, bởi thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng dần tăng cao trong các quý cuối năm, nhất là khi mặt bằng lãi suất đang được duy trì ở mức thấp và thị trường bất động sản dần hồi phục… Từ phía cung vốn, ngân hàng và các công ty tài chính cũng dần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm nay, lãi suất cho vay của Nam A Bank hiện quanh mức 6 - 7%/năm trong năm đầu đối với khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, với khoản vay ngắn hạn, từ 3 - 6 tháng, lãi suất chỉ áp dụng ở mức 5 - 6%/năm.

Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cũng cho hay, khi chính sách thuế quan của Mỹ công bố, ACB đã rà soát lại danh mục khách hàng. Danh mục cho vay của ACB khá đặc thù trên thị trường, tín dụng cá nhân lên đến 65%, doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 29%, còn lại là doanh nghiệp lớn. Mảng doanh nghiệp lớn và FDI chỉ mới phát triển gần đây, tính tập trung chưa cao. Vì vậy, “nếu có thách thức vĩ mô, ACB cũng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16 - 18%”.

Theo ông Phát, lãi suất huy động sẽ tiếp tục ổn định, trong khi cho vay cũng không thay đổi nhiều, do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ACB trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát quý II/2025 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý II và cả năm 2025 so với năm 2024.

Theo các tổ chức tín dụng, trong quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động vốn VND bình quân các kỳ hạn giảm nhẹ 0,03 - 0,05%/năm, mặt bằng lãi suất cho vay VND giảm nhẹ 0,08 - 0,1%/năm so với quý trước đó, ngược với dự báo tăng nhẹ 0,14%/năm lãi suất huy động và tăng 0,04%/năm lãi suất cho vay tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động VND bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II/2025 và chỉ tăng 0,02%/năm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng và tăng nhẹ 0,17%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025, trong khi dự báo mặt bằng lãi suất cho vay VND bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08%/năm trong quý II/2025 và cả năm 2025.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-truong-tin-dung-van-lac-quan-post367380.html
Zalo