TPHCM chủ động ứng phó để giữ được mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Xáo trộn thương mại toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, đang đặt ra thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Dù vậy, thành phố vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 8,5% đã đề ra, chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp.

TPHCM có thể biến "nguy thành cơ", tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc thị trường, phát huy sức mạnh nội lực, mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

TPHCM vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Ảnh: TL

TPHCM vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Ảnh: TL

Theo dõi sát sao "sức khỏe" doanh nghiệp

Chỉ một tuần sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng, TPHCM đã chủ động yêu cầu các sở, ngành tập hợp ý kiến từ doanh nghiệp – các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, cũng như tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để có đánh giá tác động tổng quan, từ đó xây dựng các kịch bản ứng phó.

Trước tình hình thuế quan đối ứng của Mỹ, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) có ba kịch bản tăng trưởng, trong đó, kịch bản xấu nhất dự đoán thuế suất đối kháng là 46%, trong khi kịch bản tối ưu dự báo thuế suất bình quân từ 5-15%. Kịch bản tốt nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM có thể đạt từ 7,37% đến 8,49% nếu thành phố thực hiện những biện pháp đồng bộ.

Các kịch bản này giả định TPHCM sẽ chủ động tăng cường nội lực thông qua việc thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được dự kiến là 620.000 tỉ đồng, cùng với đó là dự đoán rằng mức tăng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 13,4%.

Tại hội thảo khoa học diễn ra vào ngày 9-4 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế TPHCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, nhấn mạnh dù đối mặt với nhiều thách thức, thành phố vẫn quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5% đã được đề ra từ đầu năm.

Ông cũng đề nghị các sở, ngành theo dõi sát sao tình hình kinh tế - xã hội và sức khỏe của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường Mỹ. TPHCM sẽ triển khai song song hai nhóm giải pháp: hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và khai thác các nguồn lực phát triển bền vững.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhất trí rằng thành phố nên giữ nguyên kịch bản tăng trưởng cho năm 2025 và tiếp tục theo dõi các kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ để có những điều chỉnh phù hợp.

Các chuyên gia đều nhận định thách thức trước mắt có thể thấy ngay và tác động nhanh đối với doanh nghiệp. Việc đàm phán với Chính phủ Mỹ nhằm đưa thuế đối ứng về mức thấp nhất, nằm trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là rất cần thiết.

Song, thay vì chỉ chờ vào kết quả đàm phán, TPHCM vẫn có nhiều lựa chọn để cải thiện khả năng tăng trưởng bền vững hơn. GS, TS. Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TPHCM), cho rằng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động kinh tế, yêu cầu thành phố cần xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm ứng phó với thuế suất mới của Mỹ.

Trong ngắn hạn, thành phố cần lắng nghe và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gia tăng đầu tư công, từ đó giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Các chuyên gia nhất trí rằng trong mỗi nguy cơ đều tiềm ẩn cơ hội. Nếu TPHCM biết tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực, thành phố sẽ không chỉ vượt qua rào cản thuế quan mà còn khẳng định được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở nên chủ động và ít phụ thuộc hơn.

Làm mới động lực tăng trưởng truyền thống

Trước những khó khăn và thách thức hiện nay, TPHCM đang quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như sản xuất xanh, công nghệ cao và chuyển đổi số.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không phải là một giải pháp mới, nhưng hiện tại, TPHCM cần tích cực triển khai chiến lược này và là một chiến lược dài hạn trong phát triển thương mại. Thạc sĩ Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế xã hội TPHCM (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM), nhấn mạnh doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng tối đa các Hiệp định FTA đã ký kết.

Cụ thể, doanh nghiệp nên hướng mạnh vào thị trường EU, ưu tiên các quốc gia có quan hệ thương mại ổn định như Đức, Tây Ban Nha và Ba Lan, đồng thời mở rộng hợp tác với Mexico và Canada để tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada.

Việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nội khối ASEAN và RCEP cũng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

TPHCM sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để kích cầu tiêu dùng nội địa và phát triển du lịch. Để tăng cường nguồn lực cho đầu tư công, thành phố kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn và mở rộng hợp tác công tư (PPP) nhằm thu hút vốn tư nhân cho lĩnh vực hạ tầng. TPHCM cũng hướng tới việc hình thành các khu thương mại tự do nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại.

Đồng thời, sẽ triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng Việt và bình ổn giá cho cả các ngành hàng có nguy cơ cao.

TPHCM làm mới động lực tăng trưởng truyền thống. Ảnh: LH

TPHCM làm mới động lực tăng trưởng truyền thống. Ảnh: LH

Một yếu tố quan trọng trong việc ứng phó với chính sách thuế quan mới là tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và kiểm soát gian lận thương mại. Bà Vân lưu ý cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc và tìm kiếm nguyên liệu thay thế, đồng thời xây dựng chuỗi dữ liệu FDI để đảm bảo tính minh bạch trong xuất khẩu.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhấn mạnh trong khi Chính phủ đàm phán, cần phải thực hiện ngay việc thắt chặt quy định về xuất xứ hàng hóa và xử lý nghiêm tình trạng “mượn đường xuất khẩu” của các doanh nghiệp nước ngoài. Ông đồng thời đề xuất phát triển chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với phương châm “Made by Vietnam” thay vì “Made in Vietnam”.

Nói thêm giải pháp, ông An nhấn mạnh cần phải thực hiện cải cách hành chính một cách quyết liệt hơn, phải xem xét lại tính cần thiết của mọi thủ tục, loại bỏ những quy định phiền hà.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần được đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu thời gian chi phí để cho phép doanh nghiệp chủ động đầu tư theo định hướng của thành phố và hoàn tất thủ tục nhận ưu đãi sau khi triển khai dự án.

Ông cũng cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới ngành công nghiệp, điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững cho thành phố trong tương lai.

"Chính sách không ổn định từ Mỹ yêu cầu TPHCM có phản ứng linh hoạt, không chỉ tập trung vào thị trường Mỹ mà còn mở rộng tầm nhìn đối với các yếu tố khác ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng việc cải thiện hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực nội tại và áp dụng công nghệ tiên tiến, cũng như nhận được sự hỗ trợ về vốn, thuế và thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND TPHCM, Nguyễn Văn Được, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bình tĩnh và linh hoạt trong việc ứng phó với những biến động từ chính sách thuế mới của Mỹ, coi đây là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông đề xuất cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải thiện hệ thống logistics, cơ sở hạ tầng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay và thủ tục hành chính.

TPHCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thuế quan mới, nhưng với sự kiên định và nỗ lực không ngừng nghỉ, thành phố vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển mình và làm mới các động lực tăng trưởng không chỉ giúp TPHCM vượt qua khó khăn mà còn kiến tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-chu-dong-ung-pho-de-giu-duoc-muc-tieu-tang-truong-kinh-te/
Zalo