Nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề không chỉ liên quan đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn xảy ra, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng. Do vậy, việc tăng cường truyền thông về ATTP là rất cần thiết để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, giúp bảo vệ sức khỏe và tạo dựng môi trường tiêu dùng an toàn.

Bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Thanh Liêm, năm 2024, các phòng, ban, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tổ chức hội nghị…; tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã phát động và duy trì việc thực hiện các tiêu chí về ATTP gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Qua đó, giúp người dân được phổ biến kịp thời, cập nhật đầy đủ hơn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hình thành thói quen tốt về bảo đảm ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Trong năm 2024, toàn huyện đã thành lập 53 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 437 cơ sở; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở, với số tiền trên 24,2 triệu đồng. 100% các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn được quản lý, hướng dẫn và ký cam kết bảo đảm ATTP; trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

Người dân chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Winmart trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Người dân chọn mua thực phẩm tại Siêu thị Winmart trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh, phát tờ rơi, các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mảng xã hội để thông tin đến được người dân rộng rãi hơn, phù hợp từng nhóm đối tượng. Năm 2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức 24 buổi tuyên truyền lưu động; in 375 đĩa tuyên truyền, treo 100 băng zôn; xây dựng một cụm pano tuyên truyền về ATTP trên địa bàn huyện Bình Lục, sửa chữa các cụm pano tại các huyện, thị xã, thành phố; đăng tải nhiều tin, bài trên Báo Hà Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, website của Chi cục. Đồng thời, tổ chức 46 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định về kiểm tra, giám sát, xét nghiệm nhanh ATTP… cho 4.600 người là cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, cơ sở; ban chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; cán bộ mặt trận Tổ quốc, hội viên hội phụ nữ, hội nông dân…

Đặc biệt, các ngành, lực lượng chức năng đã tổ chức hiệu quả các chiến dịch truyền thông cao điểm nhân Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với ban chỉ đạo các cấp để nắm tình hình, đánh giá thực trạng công tác quản lý ATTP trên địa bàn; kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP.

Năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP tuyến tỉnh kiểm tra 120 cơ sở thực phẩm, trong đó 109/123 cơ sở được phê duyệt năm 2024, đạt 88,6% kế hoạch năm; 11 cơ sở kiểm tra theo yêu cầu quản lý của cơ quan chức năng; số cơ sở đạt là 109/120 cơ sở (chiếm 90,8%); phạt tiền 9 cơ sở với tổng số tiền 191.500.000 đồng, chuyển hồ sơ đề nghị UBND cấp huyện xử phạt 2 cơ sở. Hoạt động kiểm tra, hậu kiểm liên ngành, chuyên ngành ATTP được thực hiện cơ bản theo kế hoạch năm được phê duyệt; giải quyết và xử lý kịp thời, đúng quy định các phát sinh trong lĩnh vực ATTP và thông tin để người dân biết, cảnh báo cho người dân về những cơ sở có vi phạm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATTP; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác ATTP ở các địa phương…

Về phía mỗi cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Hoàng Hải

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-an-toan-thuc-pham-142711.html
Zalo