Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Trung tâm Tài chính 'khó mấy cũng phải làm'

Việc hình thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ tạo không gian phát triển mới, tạo động lực tăng trưởng mới

Sáng 4-1, tại TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị sáng 4-1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị sáng 4-1

Trung tâm Tài chính là động lực tăng trưởng mới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng là việc tất yếu, "khó mấy cũng phải làm".

Trong năm 2025, nước ta vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung vào các giải pháp an sinh - xã hội, cuộc sống người dân phải ấm no, hạnh phúc hơn.

Các giải pháp cụ thể trong năm 2025 là làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Đây là những vấn đề cần đi tắt đón đầu, phải đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên. Việc hình thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế nhằm tạo không gian phát triển mới và động lực tăng trưởng mới.

"Một câu hỏi đặt ra hiện nay là nước ta đã đủ điều kiện thành lập Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế hay chưa? Câu trả lời là điều kiện đã đủ, đây là việc tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước giai đoạn mới - giai đoạn vươn mình để trở thành nước văn minh, thịnh vượng; nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc" - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nêu rõ điều kiện để hình thành Trung tâm Tài chính tại Việt Nam dựa trên 5 yếu tố.

Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế

Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế

Yếu tố đầu tiên là quy mô kinh tế của nước ta năm nay đã xếp hạng 34 thế giới, GDP (tổng sản phẩm) bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.

Yếu tố thứ 2 là Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với 7% năm 2024, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là cả nước phấn đấu tăng trưởng 2 con số, ít nhất là 8%. Với quy mô nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, với nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2025, nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp của các nước rất lớn.

Yếu tố thứ 3 là Việt Nam đang đạt được thành quả tích cực về những đột phá chiến lược. Trong đó, thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Yếu tố thứ 4 là vốn hóa nền kinh tế của Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán cao nhất trong khu vực với 7,2 triệu tỉ đồng. Nước ta cũng có nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn.

Yếu tố thứ 5 là đất nước ta có nền chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; môi trường hợp tác phát triển thuận lợi; cuộc sống thanh bình, an ninh, an toàn, an dân.

Bàn làm, không bàn lùi

Theo Thủ tướng, điều kiện đã rõ, vấn đề là làm như thế nào. Thủ tướng chỉ đạo Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế chính sách về Trung tâm Tài chính tại kỳ họp tháng 5-2025.

"Đây là việc khó, việc mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì đất nước không phát triển, không thể có tăng trưởng 2 con số. Khó mấy cũng phải làm" - Thủ tướng yêu cầu.

Song song đó, "Việt Nam hóa" những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này, học tập các mô hình quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện đất nước; chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng, quản lý công việc, sự thống nhất của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đối với TP HCM và Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chú trọng phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, chuyển giao công nghệ, quản trị thông minh. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng 2 thành phố trong việc xây dựng văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý.

Thủ tướng cũng mong muốn các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất chính sách, hỗ trợ tìm nguồn lực tài chính và con người, góp phần đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm Tài chính.

"Tư tưởng đã thông, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt; chỉ có bàn làm chứ không bàn lùi; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, xây dựng Trung tâm Tài chính không phải việc riêng của 2 thành phố mà là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển.

Việt Nam cần huy động 4 - 5 triệu tỉ đồng mỗi năm

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đất nước muốn đột phá cần nguồn nhân lực và vốn rất lớn. Huy động vốn từ thị trường tài chính, các trung tâm tài chính là kênh quan trọng.

Thủ tướng phân tích trong giai đoạn vừa qua, tổng vốn đầu tư chiếm 33% - 35% GDP. Nếu muốn tăng trưởng từ 8% trở lên, thậm chí tăng trưởng 2 con số, thì tổng đầu tư phải chiếm 45% - 50% GDP. Hằng năm, đất nước cần lượng vốn lớn cho phát triển hạ tầng chiến lược, như hoàn thành 3.000 km cao tốc, 1.000 km đường ven biển và các dự án đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng..., ước tính 4 - 5 triệu tỉ đồng.

PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG; Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-kho-may-cung-phai-lam-19625010411383963.htm
Zalo