Thưởng Tết chỉ đủ đổ xăng, nhiều giáo viên vùng cao không dám về thăm nhà

Tết Nguyên đán 2025 cận kề, nhiều giáo viên chạnh lòng vì số tiền thưởng gần như bằng không, chỉ đủ đổ vài lít xăng xe, muốn về quê thăm gia đình cũng phải cân nhắc.

Gần 10 năm công tác tại một trường THCS huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa), cô giáo Vũ Thị Hương coi thưởng Tết là điều xa xỉ. Mỗi khi nghe thông tin đồng nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM dự kiến nhận thưởng Tết vài chục triệu đồng, nữ giáo viên đều không khỏi chạnh lòng.

Trước dịp Tết Nguyên đán 2025, cô Hương dự định sẽ về quê hương Nam Định ăn Tết với gia đình, người thân. Nhưng sau khi tính toán, với số tiền thưởng khoảng 200.000 đồng, cô quyết định để dành tiền về quê vào đợt nghỉ hè tới.

"Thưởng Tết năm nào cũng chỉ đủ đổ xăng, không đủ để để đặt vé xe hai chiều cho cả gia đình. Nói thật, giáo viên vùng cao chúng tôi không mong Tết đâu, về với gia đình mà "túi rỗng, tay không" thì buồn lắm. Ngày thường không sao chứ đến Tết, thấy người ta nhận thưởng bằng mấy tháng lương của mình, nghĩ mà chạnh lòng", cô Hương tâm sự.

Kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, để có tiền xoay xở cho cái Tết sắp đến, năm nay nữ giáo viên tính tới phương án đi gói bánh chưng thuê.

“Tôi không ngại làm thêm nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết. Chỉ hy vọng một ngày không xa, giáo viên sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ, tiền thưởng tháng thứ 13 như những nghề nghiệp khác để không khỏi tủi thân, thêm cơ hội về quê ăn Tết bên gia đình”, nữ giáo viên bày tỏ.

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều giáo viên đau đáu nỗi lo, làm sao để có cái Tết đủ đầy, hạnh phúc. (Ảnh: Cô giáo Lê Thị Quang)

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều giáo viên đau đáu nỗi lo, làm sao để có cái Tết đủ đầy, hạnh phúc. (Ảnh: Cô giáo Lê Thị Quang)

Cô Lê Thị Quang, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Xá Lượng (Nghệ An) cho rằng, trong khi các ngành, nghề khác hân hoan với các khoản tiền thưởng cuối năm thì ngành giáo dục, nhất là hệ thống trường công lập gần như không có khái niệm thưởng Tết. Nếu có, đây cũng chỉ là sự tằn tiện chi tiêu trong năm, để cuối năm còn dư ra một khoản, gọi là động viên tinh thần.

"Trường Mầm non Xá Lượng có 26 giáo viên và 6 nhân viên. Nếu việc quản lý tài chính nội bộ thực hiện tốt, mỗi giáo viên dự kiến sẽ nhận được khoảng 200.000 đồng/người, nhân viên nhận 100.000 đồng/người. Tổng nhà trường sẽ chi khoảng 6 triệu đồng tiền thưởng Tết Nguyên đán cho toàn bộ nhân sự", cô Quang tính toán.

Theo cô Quang, mức thưởng Tết của cả trường còn không bằng một tháng lương thường nhận của giáo viên. Do đó, ước muốn được thưởng Tết bằng lương tháng 13 vẫn còn là điều quá xa vời.

Còn theo một lãnh đạo trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp (Cao Bằng), khi được hỏi về chuyện thưởng Tết, nhiều giáo viên nơi đây lặng thinh vì không muốn nói ra "điệp khúc buồn".

"Chúng tôi bao năm nay chưa từng có khái niệm thưởng Tết. Trường còn nhiều khó khăn, nên ngay cả quà bánh còn chẳng có, nói gì đến vài chục, một trăm nghìn động viên. Nghề giáo cũng như các ngành nghề khác, cũng mong được có Tết. Vì vậy lương tháng 13 sẽ là niềm động viên lớn lao, để thầy cô an yên hơn mỗi dịp Tết đến xuân về”, vị này bày tỏ.

Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định nào về thưởng Tết hay tháng lương thứ 13 cho giáo viên là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chế độ tiền thưởng cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị định 73 của Chính phủ chỉ áp dụng với thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng người. Nghị định cũng nêu rõ, mức tiền thưởng cụ thể đối với từng trường hợp, không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thuong-tet-chi-du-do-xang-nhieu-giao-vien-vung-cao-khong-dam-ve-tham-nha-ar917962.html
Zalo