Nâng cao năng lực xuất khẩu cà phê

Với tầm quan trọng là cây trồng chủ lực chính trên địa bàn tỉnh, cũng như đứng thứ nhất cả nước về năng suất, tiềm năng xuất khẩu đối với cây cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang ngày một rộng mở.

Công ty TNHH Nông nghiệp thực phẩm hữu cơ Việt Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) sản xuất cà phê hữu cơ xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới

Công ty TNHH Nông nghiệp thực phẩm hữu cơ Việt Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) sản xuất cà phê hữu cơ xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới

Từ khoảng giữa năm 2024 tới nay, giá cà phê tăng cao kỷ lục, dao động từ 110.000 tới 132.000 đồng/kg nhân xô, khiến bà con Nhân dân, doanh nghiệp thu mua rất phấn khởi.

Mặc dù mùa vụ thu hoạch cà phê đã kết thúc nhưng tình hình xuất khẩu đối với mặt hàng này vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ đầu năm 2025 tới nay (tính tới ngày 2/4), các mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt 113,36 triệu USD. Trong đó, riêng mặt hàng cà phê xuất khẩu 13.121 tấn, đạt 68,03 triệu USD, chiếm khoảng 60% giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung (chè, rau, củ, quả, hoa và tơ thô). Còn trong năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 226,2 triệu USD và năm 2023 là 180 triệu USD. Như vậy, theo đánh giá, nhóm hàng nông sản vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, với 532,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 54% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh và tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ. Nhóm sản phẩm cà phê, bên cạnh sầu riêng có sự tăng trưởng khá tốt. Mặt hàng cà phê xuất khẩu tăng dần khoảng 10% mỗi năm và chiếm khoảng 50 tới 60% tỷ trọng các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, mặt hàng cà phê xuất khẩu ước đạt 19,48 ngàn tấn

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, mặt hàng cà phê xuất khẩu ước đạt 19,48 ngàn tấn

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, năm 2024, cây cà phê đạt 176,8 ngàn ha, tăng 0,7% sản lượng. Trong đó, diện tích sản xuất an toàn được mở rộng với 8.400 ha được chứng nhận VietGAP (tăng 11%) tổng sản lượng 526.096 tấn/năm (tăng 10,98%); sản xuất hữu cơ đạt 1.708 ha (tăng 18,7%) với tổng sản lượng ước đạt hơn 14.534 tấn/năm (tăng 114%); diện tích cà phê chứng nhận 4C, UTZ,… đạt 88.000 ha (tăng 2,32%), sản lượng đạt 297.440 tấn/năm (tăng 8,1%).

Cả tỉnh hiện có 490 doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Trong đó có 181 đơn vị chế biến cà phê rang xay, cà phê bột, với công suất chế biến đạt 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân và trên 10.000 tấn cà phê bột/năm. Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp chế biến cà phê nhân này có 13 đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp. Trong năm, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết quảng bá thông tin, thương hiệu trên website nongsandalatlamdong.vn, các trang thông tin điện tử, nền tảng xã hội khác,... để doanh nghiệp có thêm thông tin kết nối, tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng.

Người dân xã Rô Men, huyện Đam Rông phấn khởi thu hoạch cà phê được mùa, được giá năm 2024

Người dân xã Rô Men, huyện Đam Rông phấn khởi thu hoạch cà phê được mùa, được giá năm 2024

Việc hình thành và phát triển các cụm liên kết gắn chế biến, tiêu thụ với vùng sản xuất nguyên liệu được các cơ sở, hợp tác xã quan tâm xây dựng trên cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Các chuỗi liên kết mới hình thành tăng. Cụm liên kết sơ chế, chế biến cà phê nhân và cà phê bột tại huyện Lâm Hà, Di Linh và TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc với 28 chuỗi, 21.236 hộ liên kết, diện tích 41.064 ha, sản lượng 142.959 tấn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ nông sản, trong đó có cà phê đưa vào chế biến còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, mới xuất khẩu phần lớn lượng cà phê thô. Do đó, mặt hàng này vẫn có nhiều yếu tố chưa bền vững.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa được các doanh nghiệp, cơ sở quan tâm, đầu tư đúng mức. Thương mại điện tử bước đầu được quan tâm ứng dụng, tuy nhiên, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua thương mại điện tử vẫn đang còn rất thấp, chỉ đạt dưới 0,1% so với tổng sản lượng nông sản toàn tỉnh.

Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, nhiều địa phương trong tỉnh đã đầu tư sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Bên cạnh những nỗ lực của nông dân và các doanh nghiệp, thì cơ quan chức năng cũng đã đưa ra định hướng phát triển cho loại cây công nghiệp chủ lực này.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ tái canh, ghép cải tạo khoảng 29.400 ha để tăng năng suất bình quân lên 3,5 tấn/ha. Riêng những diện tích cà phê chè - Arabica già cỗi sẽ tiếp tục tái canh, cải tạo và chuyển đổi sang trồng các giống cà phê chè chất lượng cao ở những khu vực phù hợp. Giải pháp canh tác cà phê tiên tiến theo các tiêu chuẩn bền vững UTZ, 4C, Rainforest, trồng xen cây ăn quả… tiếp tục được triển khai.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/nang-cao-nang-luc-xuat-khau-ca-phe-a0f1c9a/
Zalo