Nan giải bài toán xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở Lâm Đồng

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 398.668 tấn/năm, tương đương 1.092,3 tấn/ngày, riêng TP Đà Lạt chiếm hơn 300 tấn/ngày. Trong khi đó việc xử lý rác thải chủ yếu theo phương pháp chôn lấp; các nhà máy xử lý rác vẫn hoạt động dưới công suất thiết kế, công nghệ xử lý lạc hậu.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 9/5, phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, với đặc điểm là một tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ du lịch cao và đang từng bước phát triển công nghiệp, Lâm Đồng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là công tác quản lý, thu gom và xử lý CTRSH và chất thải nông nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng tỉnh nhà đang đối mặt với thách thức lớn từ chất thải sinh hoạt.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng tỉnh nhà đang đối mặt với thách thức lớn từ chất thải sinh hoạt.

Rác thải không chỉ gây áp lực lên hạ tầng xử lý mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cảnh quan sinh thái và phát triển bền vững nếu không được quản lý tốt. “Do vậy, hội thảo hôm nay được tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin, đánh giá hiện trạng công tác thu gom và xử lý rác thải tại địa phương; tiếp nhận ý kiến, giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; Kết nối giữa chính quyền – doanh nghiệp – giới khoa học, từ đó đề xuất các định hướng, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh”, ông Phúc nói.

Theo Sở NN&MT, tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 398.668 tấn/năm, tương đương 1.092,3 tấn/ngày. Theo số liệu khảo sát, hiện nay tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị trung bình đạt 96% (tăng 8% so với năm 2021) và khu vực nông thôn đạt khoảng 80% (tăng 13% so với năm 2021).

Chất thải sinh hoạt ở Lâm Đồng chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Chất thải sinh hoạt ở Lâm Đồng chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Sở NN&MT Lâm Đồng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn còn thấp so với mục tiêu đề ra; công tác thu gom, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn, tuy đã có giải pháp nhưng chưa giải quyết triệt để; Việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực còn hạn chế; Việc quản lý CTRSH chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt; việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải... trong sản xuất còn hạn chế…

Thách thức nữa là việc xử lý rác thải ở Lâm Đồng hiện nay chủ yếu theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, một số nơi vẫn chôn lấp thủ công. Các nhà máy xử lý rác như: Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh, Đơn Dương... vẫn hoạt động dưới công suất thiết kế. Công nghệ xử lý lạc hậu, thiếu phân loại tại nguồn, gây ô nhiễm thứ cấp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí từ ngân sách cho đầu tư trang thiết bị thu gom, xử lý chất thải rắn còn hạn chế; Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện…

Việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại Lâm Đồng còn hạn chế.

Việc đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tại Lâm Đồng còn hạn chế.

Để giải quyết bài toán xử lý CTRSH, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ chú trọng tăng cường năng lực thu gom chất thải sinh hoạt cho các khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số và mật độ dân cư cao, nhất là vùng nông thôn có xu hướng đô thị hóa mạnh.

Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thu hút xã hội hóa công tác xây dựng các khu xử lý chất thải sinh hoạt liên hợp, chú trọng đầu tư và thu hút đầu tư với các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến có tính kết hợp nhiều công nghệ liên hợp trong một công trình như công nghệ đốt, thu hồi, tái chế,… tránh các công nghệ cũ như chôn lấp, đặc biệt là chôn lấp hở không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh và môi trường.

"Để giải quyết bài toán xử lý CTRSH cần triển khai đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, chính sách, tuyên truyền và công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, hướng tới mục tiêu “Lâm Đồng xanh – sạch – bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh.

Hội thảo chuyên đề về xử lý CTRSH trên địa bàn Lâm Đồng có sự tham gia của đại diện Cục Môi trường (Bộ NN&MT), lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội thảo đã được lắng nghe 10 tham luận, chủ yếu nói về thách thức, giải pháp xử lý CTRSH. Các chuyên gia cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp xử lý CTRSH với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Mai Long

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nan-giai-bai-toan-xu-ly-rac-thai-ran-sinh-hoat-o-lam-dong-post547878.html
Zalo