Mạo danh cửa hàng vàng để chiếm đoạt tài sản

Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh và rủi ro đầu tư tăng cao, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng tạo các tài khoản mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý, dụ dỗ người dân đầu tư vào vàng bạc tích trữ để lừa đảo.

Theo thống kê mới nhất, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia công bố, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, gây thiệt hại lên tới 18.900 tỷ đồng và ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn nạn nhân. Các chuyên gia cảnh báo, loại hình tội phạm này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025 với các kịch bản ngày càng tinh vi.

Mới đây, Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý đã lên tiếng về tình trạng mạo danh thương hiệu này trên mạng xã hội để lừa đảo người tiêu dùng. Theo đó, các đối tượng giả mạo doanh nghiệp để dụ dỗ người dân đầu tư bằng cách sử dụng các fanpage có tên gọi giống hoặc trùng với “Vàng bạc Phú Quý”, thậm chí có dấu tick xanh giả nhằm tạo lòng tin với người dùng. Chúng thường đăng tải thông tin khuyến mãi hấp dẫn, quảng cáo sản phẩm với giá rẻ bất ngờ để thu hút sự quan tâm.

Đáng chú ý, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), các đối tượng còn rao bán các loại bạc thỏi được khắc hình ảnh kỷ niệm sự kiện lịch sử này với giá trị được thổi phồng nhằm đánh vào tâm lý người dân. Theo tìm hiểu của phóng viên, phương thức lừa đảo là mua lại các tài khoản Facebook có tích xanh từ trước, đổi tên thành các thương hiệu uy tín để tạo lòng tin cho người dân, đăng tải nhiều bài viết giống như tài khoản thật của các thương hiệu. Sau đó, chạy quảng cáo, rao bán bạc thỏi sản phẩm với giá tương đương giá bạc trên thị trường, yêu cầu người mua chuyển khoản toàn bộ tiền hàng trước với lý do “hàng có hạn”. Sau khi nhận tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc với người mua.

Đại diện Tập đoàn Phú Quý cho biết, đơn vị này đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về các trang mạng giả mạo thương hiệu như “Vàng bạc Phú Quý”, “Phú Quý Gold” để lừa đảo. “Tất cả các trang này đều không phải là kênh truyền thông chính thức của chúng tôi. Chúng tôi khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin và chỉ giao dịch tại các cửa hàng được ủy quyền hoặc website chính thức”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.

Trước tình hình gia tăng các vụ lừa đảo trực tuyến, Bộ Công an đề nghị người dân cần thận trọng khi tham gia mua bán hàng hóa trực tuyến nói chung và đầu tư vàng bạc, trang sức nói riêng. Người mua cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng các trang mạng xã hội của cơ sở kinh doanh. Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần đặc biệt cảnh giác, luôn kiểm tra kỹ phần “tính minh bạch của trang” trên Facebook để xem lịch sử đổi tên. Nếu trang có nhiều lịch sử đổi tên khác nhau, đổi tên trong thời gần đây… thì rất có thể là trang giả mạo.

Đặc biệt, người dân chỉ nên thanh toán sau khi nhận hàng và xác minh thông tin tài khoản ngân hàng thông qua website chính thức hoặc hotline của thương hiệu. “Ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc trở thành nạn nhân, cần trình báo ngay với cơ quan công an địa phương để kịp thời xử lý”, Bộ Công an khuyến cáo.

Để không trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác và khả năng tự phòng vệ. “Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng trước hết phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đòi hỏi sự chủ động, cảnh giác. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng”, một chuyên gia công nghệ lưu ý.

Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mao-danh-cua-hang-vang-de-chiem-doat-tai-san-163939.html
Zalo