Năm 2030, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến hoàn thành

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Dự kiến dự án sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2030.

Theo Bộ GTVT, việc xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, dự án sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD). Dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện.

Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình. (Ảnh: quochoi.vn)

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160 km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.

Về hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể với 3 loại kết cấu chính trên tuyến, trong đó kết cấu cầu chiếm khoảng 29% chiều dài tuyến, hầm khoảng 7% và nền đất khoảng 64%.

Dự án hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng, hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, bảo đảm kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kết nối Trung Quốc.

Dự án dự kiến bố trí 18 ga, gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp, quá trình khai thác, khi nhu cầu nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.

Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, sơ bộ dự án có tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.

"Việc đầu tư dự án sẽ mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức. Mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất. Góp phần phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo công ăn việc làm", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, dự án đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu bảo đảm việc kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ dự án đối với doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, có ý kiến theo cho rằng, Luật Đường sắt quy định ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác. Do vậy, cần làm rõ khác biệt giữa khái niệm ga và trạm tác nghiệp cũng như sự cần thiết và nguyên tắc bố trí các trạm tác nghiệp này. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát, mở rộng quy mô các ga (ga Lào Cai, ga Bảo Thắng), bố trí ga phù hợp với quy hoạch của địa phương (ga Yên Viên) để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Về phương án đầu tư, Chính phủ đề xuất phân kỳ đầu tư dự án theo quy mô đường đơn và thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy mô quy hoạch đường đôi và sẽ đầu tư hoàn thiện trong giai đoạn sau. Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu vận tải của tuyến này còn chưa cao và hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã có tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt hiện hữu (khổ 1.000 mm) cùng khai thác thì việc đề xuất đầu tư phân kỳ dự án là phù hợp và việc đầu tư hoàn thiện sẽ được nghiên cứu khi có nhu cầu.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nam-2030-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-du-kien-hoan-thanh-ar925621.html
Zalo