Năm 2024 doanh thu Đường sách TP.HCM đạt 57,3 tỷ đồng

Đường sách TP.HCM ghi nhận mức doanh thu giảm nhẹ so với năm 2023, song đón nhận tín hiệu tích cực từ số lượng du khách, hoạt động, sự kiện.

Dù trải qua nửa đầu năm chưa mấy thuận lợi vì sức mua giảm theo đà cuối năm 2023, Đường sách TP.HCM vẫn duy trì được mức doanh thu giảm không đáng kể so với năm 2024. Đồng thời, Đường sách là điểm đến đầy sức sống của thành phố với nhiều sự kiện diễn ra hàng tuần, đón đa dạng tệp du khách.

Lượng khách tăng, doanh thu giảm

Tại buổi báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024, Ban quản lý Đường sách cho biết tổng doanh thu năm 2024 của các đơn vị tại Đường sách đạt 57,3 tỷ đồng đồng (giảm 4% so với năm 2023). Mức doanh thu này chưa bao gồm các hội sách, chương trình giảm giá.

Doanh thu bán lẻ trực tiếp tại cửa hàng chiếm 56% bao gồm sách và văn hóa phẩm, quà lưu niệm; bán online chiếm 23%; bán sỉ chiếm 21%. Doanh thu bán trực tuyến tăng khoảng 8% so với năm 2023.

Theo đó, Đường sách bán ra 686.495 cuốn (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023) của 3.623 tên sách. Doanh thu văn hóa phẩm, quà lưu niệm và café chiếm khoảng 11% tổng doanh thu. 12 đơn vị tại Đường sách ghi nhận doanh thu giảm 10-50%; các đơn vị còn lại mức tăng ổn định 10-30%.

Các hoạt động thủ công (trái), mỹ thuật (giữa), hội sách tại Đường sách TP.HCM thu hút đa dạng du khách. Ảnh: Duy Hiệu, Đường sách TP.HCM.

Các hoạt động thủ công (trái), mỹ thuật (giữa), hội sách tại Đường sách TP.HCM thu hút đa dạng du khách. Ảnh: Duy Hiệu, Đường sách TP.HCM.

Từ giữa năm 2023, doanh thu các đơn vị tại Đường Sách giảm đều sang đến năm 2024. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, có 12/21 đơn vị có doanh thu giảm từ mạnh (trung bình giảm hơn 24%); tình trạng này tiếp tục kéo dài đến 6 tháng cuối năm 2024 (có 8/22 đơn vị có doanh thu giảm 27%).

Ban quản lý Đường sách cho rằng tình trạng sức mua, doanh thu giảm đã được dự đoán trước trong bối cảnh nền kinh tế, thị trường có biến động, người dân thắt chặt chi tiêu. Các đơn vị tại Đường sách đã tích cực thay đổi chính sách kích hoạt bán hàng, tổ chức hoạt động sự kiện, hội sách… nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Về lượt khách đến với Đường Sách trong năm 2024 ước tính tăng khoảng 20% so với năm 2023. Khách đến Đường sách đông vào các hoạt động chủ điểm, dịp cuối tuần nhưng sức mua chưa cao. Khách ghi nhận tăng rõ rệt từ cuối quý 3 sang hết quý 4, đặc biệt là du khách quốc tế. Đường sách cũng ghi nhận lượng khách đông hơn với các ngày trong tuần và vào buổi tối.

Điều này phần nào đến từ cơ hội Đường sách được công nhận là một trong 50 điểm đến du lịch hấp dẫn của TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024. Đường sách thuộc nhiều tour tham quan thành phố của các đơn vị lữ hành. Một số ngày ban quản lý Đường sách chọn mẫu đếm thử và ghi nhận lượng du khách ngoại quốc chiếm đến 50%.

Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, một quán cà phê tại Đường sách cho biết trong năm 2024, du khách nước ngoài đóng góp 30% doanh thu của cửa hàng. Các đơn vị ghi nhận tệp khách này ưa chuộng sách tiếng Anh bìa mềm. Ngoài ra, một số tác phẩm được yêu thích toàn cầu như Hoàng tử bé bản tiếng Việt cũng được săn đón, nhằm mục đích sưu tầm.

Năm qua, gian hàng cà phê sách của Công ty CP Văn hóa Phương Nam ghi nhận doanh thu không sụt giảm. Dấu hiệu tích cực là doanh thu sách đã trội hơn, bù đắp cho ngành hàng văn phòng phẩm, cà phê sách. Lý do một phần đến từ việc công ty chủ động xuất bản, tái bản, nhập mua nhiều sách ngoại văn, sách song ngữ bán rất tốt cho khách nước ngoài.

Đại diện Phương Nam nhận định bên cạnh đóng góp vào hoạt động kinh doanh, hiện diện tại Đường sách còn tạo cơ hội để đơn vị xuất bản, phát hành quảng bá thương hiệu và tích lũy kinh nghiệm thị trường. Một số nhân viên của Phương Nam sau một thời gian bám Đường sách đã trưởng thành hơn rõ rệt trong công việc, bà cho hay.

Bà đúc kết kinh nghiệm của Phương Nam là "kết hợp yếu tố nội tại của đơn vị với những lợi thế sẵn có của Đường sách". Ông Lê Hoàng lưu ý các đơn vị chú trọng nhiều hơn đến những sản phẩm văn hóa đặc sắc, đa dạng để phục vụ đa dạng du khách.

Đẩy mạnh hoạt động văn hóa

Năm 2024 tại Đường sách TP.HCM diễn ra 270 hoạt động, sự kiện, gồm 90 chương trình giao lưu, giới thiệu sách; hơn 80 workshop sáng tạo, trò chơi dân gian, sân chơi phát triển kỹ năng; 17 hoạt động trưng bày, triển lãm và 11 hội sách. Đáng lưu ý, số lượng chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật là 34, tăng gấp đôi so với năm 2023.

Với 24 hoạt động giao lưu cùng học sinh (chương trình Du hành cùng sách), ông Lê Hoàng nhận xét mảng này Đường sách cần đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2025. Giám đốc Đường sách kỳ vọng các đơn vị sẽ phối hợp với ban quản lý trong việc mời diễn giả, dẫn tour giới thiệu sách để thu hút, chào đón các em nhỏ đến và tiếp xúc với môi trường sách. Hoạt động này cần phối hợp mạnh mẽ hơn với nhà trường trên địa bàn để góp phần lan tỏa văn hóa đọc.

 Năm 2025, Đường sách TP.HCM sẽ đẩy mạnh chương trình tour trải nghiệm cho đối tượng học sinh. Ảnh: Đường sách TP.HCM.

Năm 2025, Đường sách TP.HCM sẽ đẩy mạnh chương trình tour trải nghiệm cho đối tượng học sinh. Ảnh: Đường sách TP.HCM.

So sánh với năm 2023, sự tham gia tổ chức hoạt động của các đơn vị có gian hàng tại Đường sách có phần giảm (107/270 chương trình), thay vào đó là sự gia tăng hoạt động từ các đơn vị bên ngoài. Năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, phòng Văn hóa Thông tin quận 1 cũng chọn Đường sách làm nơi tổ chức nhiều sự kiện. Ông Lê Hoàng cho rằng điều này không nằm ngoài quy luật "hữu xạ tự nhiên hương".

Mặt khác, ông nhận định Đường sách chưa nhiều chương trình mang tính chuỗi sự kiện hay ngày hội liên kết nhiều đơn vị xuất bản, văn hóa nghệ thuật mà đa số đơn vị đang tổ chức riêng lẻ. Hoạt động giao lưu sách chưa thu hút nhiều tác giả nối tiếng, tác giả trẻ có sức ảnh hướng đến cộng đồng.

Ngoài ra, các hội sách tổ chức thường xuyên có mặt trái là gây loãng. Theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ, các chương trình này cần được cân nhắc và phân bổ kỹ lưỡng, tránh tình trạng khiến độc giả hiểu nhầm Đường sách là địa chỉ bán sách khuyến mãi, sách xô.

Năm 2024, với sự đồng thuận của các đơn vị, Đường sách tăng phí quản lý 30%. Nguồn thu này dành cho các hoạt động duy tu, bảo dưỡng, gia cố: cải tạo sân khấu A, nâng cấp toàn bộ khu sách cũ, tăng cường sơ sở vật chất, trang thiết bị,.... làm mới, làm đẹp không gian chiếu nghỉ đầu đường Công Xã Paris, chiếu nghỉ cuối đường Hai Bà Trưng; tăng cường ánh sáng và trang trí bắt mắt.

Tuy nhiên, ban quản lý cho rằng còn một số điểm cần cải thiện trong năm 2024: nâng cấp hệ thống âm thanh, pano, TV, ánh sáng cho chương trình nghệ thuật buổi tối.

Ông Lê Hoàng cũng thẳng thắn góp ý một số gian hàng chưa đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn: cần quan tâm tăng cường chỉnh trang, làm mới, trang trí theo chủ đề hoặc theo mùa; thiết kế đồng bộ cơ sở vật chất, quầy kệ, trang trí nội thất. Đường sách chưa nhiều điểm checkin hay hoạt động mang tính mỹ thuật tạo thêm không gian trải nghiệm đẹp.

Chia sẻ tại buổi họp, nhiều đơn vị bày tỏ kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động quảng bá Đường sách, qua chuỗi truyền thông đồng bộ và tiếp cận độc giả trên mạng xã hội.

Năm 2025 sẽ là giai đoạn Đường sách tập trung cho nhiều ngày lễ lớn, cũng như hướng đến kỷ niệm 10 năm hoạt động vào năm 2026.

"Sau 10 năm mà không giữ được bản sắc thì sẽ 'biến chất'. Có thể đón nhiều du khách nước ngoài, tăng cường các hoạt động nghệ thuật, trải nghiệm công nghệ, nhưng Đường sách nhất định phải giữ được hồn cốt của mình là sách và văn hóa, truyền thống của dân tộc", Giám đốc Đường sách nói.

Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) chính thức đi vào hoạt động ngày 9/1/2016. Trải qua 9 năm hoạt động, Đường sách ghi nhận doanh thu năm 2024 tăng hơn 200% so với năm đầu hoạt động (doanh thu 2016: 26,4 tỷ đồng). Tháng 12/2023, Đường sách TP Thủ Đức đi vào hoạt động, trở thành một "tọa độ" đọc mới của thành phố.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nam-2024-doanh-thu-duong-sach-tphcm-dat-57-3-ty-dong-post1531441.html
Zalo