Mỹ tăng thuế, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định nóng về thị trường
Nếu Mỹ áp thuế cao, 3 loại bất động sản có thể bị ảnh hưởng gồm: bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê và nhà ở thông thường
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động về khả năng thị trường bất động sản Việt Nam bị ảnh hưởng nếu Mỹ nâng mức thuế nhập khẩu lên tới 46% với hàng hóa từ Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhấn mạnh: “Lúc này, chúng ta cần giữ sự điềm tĩnh, phản ứng nhanh và xử lý tình huống một cách sáng suốt, hợp tình hợp lý.”
Theo ông Châu, dù ngành bất động sản không trực tiếp tham gia xuất khẩu nhưng nếu Mỹ thực sự áp thuế cao, những tác động lan tỏa về lâu dài là khó tránh khỏi.

Bất động sản công nghiệp có thể bị ảnh hưởng đầu tiên nếu thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực
Phân khúc đầu tiên có thể chịu ảnh hưởng là bất động sản công nghiệp. Bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đang tập trung tại hàng trăm khu công nghiệp trên cả nước. Nếu họ cắt giảm đầu tư hoặc rút lui, sự sụt giảm trong nhu cầu thuê đất, nhà xưởng là điều khó tránh khỏi. Đây là mối lo lớn khi mà bất động sản công nghiệp đang được đánh giá là một trong những điểm sáng của thị trường trong những năm gần đây.
Không dừng lại ở đó, văn phòng cho thuê cũng là lĩnh vực nhạy cảm nếu làn sóng FDI có sự dịch chuyển. Doanh nghiệp FDI thường là khách thuê chính của phân khúc văn phòng hạng A, với tỉ lệ lấp đầy cao và ổn định. Tuy nhiên, nếu họ thu hẹp quy mô, cắt giảm diện tích thuê hoặc chuyển sang quốc gia khác, thị trường sẽ chứng kiến hiệu ứng “domino” với giá thuê giảm, tỉ lệ trống tăng.
Ông Châu cũng chỉ ra một hệ lụy khác, ít được chú ý nhưng có thể tác động trực tiếp đến thị trường: nhà ở thương mại và nhà ở cho chuyên gia. Khi doanh nghiệp cắt giảm lao động, di chuyển chuyên gia hoặc thu hẹp sản xuất, nhu cầu về căn hộ trung – cao cấp cũng sẽ chững lại. Sức mua giảm, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy giảm, việc làm ít đi, thu nhập giảm – sẽ tạo ra áp lực lớn cho các dự án nhà ở đang triển khai.
Dù vậy, ông Châu khẳng định: “Tất cả mới chỉ là kịch bản có thể xảy ra. Thực tế sẽ còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán thương mại và các quyết sách điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Trả lời câu hỏi về việc các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào khu công nghiệp nên dừng lại hay tiếp tục, ông Châu cho rằng việc nhận diện sớm rủi ro chính là lợi thế. Các doanh nghiệp không nên hoảng loạn, mà cần tiếp tục triển khai các kế hoạch đã định nhưng đồng thời phải linh hoạt, chủ động thăm dò thị trường và tìm lời giải cho chính bài toán của mình.
Đặc biệt, đối với các dự án có tính xã hội như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ hay các dự án nhà thương mại phục vụ nhu cầu ở thực thì càng cần đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh khó khăn.
“Không nên dừng lại. Các dự án đang triển khai cứ tiếp tục, chỉ cần phân kỳ đầu tư một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn” - ông Châu nhấn mạnh.