Việt Nam có cơ hội lớn tham gia thị trường thực phẩm Halal toàn cầu

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. (Nguồn: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Hội nghị gồm hai phiên, tập trung vào việc phác họa bức tranh toàn cảnh về thị trường Halal và phân tích xu hướng tiêu dùng các sản phẩm Halal cũng như những cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.

Thị trường tiềm năng

Tại hội nghị, các chuyên gia tập trung trao đổi về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu các sản phẩm Halal sang các thị trường trọng điểm.

Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, như cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ, trái cây… có khả năng trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng”.

Ngoài ra, đất nước hình chữ S cũng được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ dịch vụ nhà hàng Halal, dịch vụ ăn uống…

Theo ông Ramlan Bin Osman, “Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn”.

Đại diện Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng chia sẻ về định hướng và các chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam; mang tính định hướng chiến lược, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương của nhà nước trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.

“Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu”. (Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân)

Kinh nghiệm địa bàn

Từ góc nhìn tại địa bàn, ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia. Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ Halal để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại. Không chỉ hàng thực phẩm, nhiều mặt hàng khác cũng nên có chứng nhận Halal.

Tại Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho hay, thị trường này dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; Khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Hàng hóa Việt Nam hiện đang từng bước khẳng định vị thế của mình tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường mang tính bảo hộ cao, đòi hỏi về giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); Tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại .

Thông tin về thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE chia sẻ, UAE là quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số Hồi giáo toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Ngành công nghiệp thực phẩm Halal của UAE có trị giá 19 tỷ USD để tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất. UAE cũng là một trung tâm tài chính, kinh doanh và thương mại Halal toàn cầu.

Theo ông Trung, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược gần các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn, cùng với thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch và dịch vụ. UAE là thị trường mở và phụ thuộc vào nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu và Halal là một phân khúc thị trường ngách đáng kể trong ngành thực phẩm. Dân số Hồi giáo tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm Halal tại UAE.

Các điểm cầu tham dự trực tuyến Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. (Ảnh: T.T)

Các điểm cầu tham dự trực tuyến Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. (Ảnh: T.T)

Khẩn trương, kịp thời

Để các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường UAE, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE.

Ông Trung dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal, ưu tiên áp dụng các chính sách và phân bổ nguồn ngân sách cho sản xuất sản phẩm Halal.

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các thương vụ đều cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal của các thị trường; liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp các quốc gia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Để hàng Việt có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Halal, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có nền Halal phát triển để gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Khẳng định đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định khó lường, việc thâm nhập và khẳng định thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam là một yêu cầu quan trọng nhằm đa dạng hóa thị trường.

Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu xâu chuỗi các mạng lưới và bắt tay xây dựng đề án thúc đẩy sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường Halal, với các mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, cần khẩn trương, kịp thời gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức chứng nhận Halal, các thương vụ để đưa mặt hàng của Việt Nam đến các điểm đến truyền thống cũng như thị trường mới.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thị trường Halal toàn cầu là thị trường có nhiều tiềm năng, khi khu vực dân số Hồi giáo chiếm 2 tỷ người, tương đương 25% dân số thế giới. Dự báo, quy mô GDP đạt 10.000 tỷ USD năm 2028. Trong đó, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt trên 2.500 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên xấp xỉ 5.000 tỷ USD vào năm 2031. Do vậy, đây là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu với các mặt hàng như hạt điều, gạo, rau củ quả.

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-co-co-hoi-lon-tham-gia-thi-truong-thuc-pham-halal-toan-cau-310145.html
Zalo