Mỹ rút bớt quân ở châu Âu vào cuối năm nay
Mỹ bắt đầu thảo luận với các đồng minh châu Âu về việc giảm sự hiện diện quân sự trên lục địa này, Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker cho biết ngày 16/5.

Binh sỹ Mỹ tập trận ở Đức. Ảnh: Bộ quốc phòng Mỹ
Phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Estonia, ông Whitaker xác nhận dù chưa có quyết định cuối cùng, song chính quyền Tổng thống Mỹ đang tiến hành các kế hoạch đã được xem xét từ lâu.
Ông Whitaker nhấn mạnh Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để tránh tạo ra các lỗ hổng an ninh.
"Đã hơn 30 năm Mỹ mong muốn (giảm quân ở châu Âu), Tổng thống Trump vừa nói, đủ rồi, điều này sẽ xảy ra và sẽ xảy ra ngay bây giờ. Việc này sẽ được tiến hành một cách có trật tự, nhưng chúng tôi sẽ không còn kiên nhẫn với việc trì hoãn nữa... Chúng ta chỉ cần làm việc để giải quyết các hậu quả thực tế", ông nói.
Tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với các đồng minh NATO rằng "thực tế chiến lược khắc nghiệt khiến Mỹ không thể chỉ tập trung chủ yếu vào an ninh châu Âu".
Mặc dù khả năng giảm quân Mỹ đã gây lo ngại cho các đồng minh châu Âu, ông Whitaker trấn an các đối tác NATO rằng Washington vẫn cam kết với liên minh.
"Mỹ sẽ tiếp tục ở trong liên minh này, và chúng tôi sẽ là một người bạn tốt và đồng minh vững chắc", ông nói.
Giới phân tích cho rằng, nếu các nước châu Âu cử quân tới Ukraine để hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng, việc rút quân của Mỹ sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực lấp trống lực lượng Mỹ tại các khu vực. Đây là vấn đề chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần thảo luận.
Ông Trump từng nhiều lần đề cập các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng lên, đặc biệt là các thành viên ở châu Âu, không thể cứ trông đợi vào Mỹ. Ông cũng dọa Mỹ có thể ra khỏi NATO, nhưng sau đó cam kết không bỏ rơi tổ chức quân sự này.
Kể từ năm 2022, số lính Mỹ ở châu Âu là từ 75.000 – 105.000 người. Khoảng 63.000 binh sĩ Mỹ hoạt động thường trực và số còn lại được luân chuyển.
Ngoài lực lượng đồn trú tại các căn cứ Mỹ hoặc tại các nước đồng minh châu Âu trong liên minh quân sự NATO, quân đội Mỹ còn đóng vai trò chủ chốt trong sở chỉ huy và kiểm soát của các lực lượng NATO ở khu vực. Mỹ cũng cung cấp cho châu Âu năng lực về tình báo và các loại vũ khí tầm xa.