Hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Israel: Từ thỏa thuận bí mật đến liên minh chiến lược

Ấn Độ và Israel đã âm thầm xây dựng liên minh quốc phòng mạnh mẽ với công nghệ vũ khí tân tiến. Hợp tác này không chỉ nâng tầm sức mạnh quân sự mà còn định hình lại thế trận an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Visakhapatnam và tàu tiếp tế INS Aditya của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chung với tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Ảnh: ANI/TTXVN

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Visakhapatnam và tàu tiếp tế INS Aditya của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chung với tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo bình luận của cổng phân tích tin tức News.Az của Azerbaijan ngày 16/5, trong bối cảnh căng thẳng leo thang gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan, việc Ấn Độ mạnh tay triển khai các loại vũ khí tân tiến do Israel sản xuất, từ thiết bị bay không người lái (UAV), đạn dược dẫn đường chính xác đến hệ thống phòng thủ tên lửa, đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Mặc dù hiệu suất thực tế của chúng trên chiến trường vẫn chưa được công bố đầy đủ, cuộc xung đột vừa qua đã trở thành một "bài kiểm tra" thực tế cho mối quan hệ đối tác quốc phòng Ấn Độ - Israel, một liên minh đã âm thầm phát triển thành một trong những trụ cột quân sự quan trọng nhất ở châu Á trong vài thập kỷ qua.

Mối quan hệ quốc phòng năng động và ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và Israel đã trải qua một hành trình phát triển đáng kể trong sáu thập kỷ qua. Dù quan hệ ngoại giao chính thức chỉ được thiết lập vào năm 1992, sự hợp tác quân sự giữa hai quốc gia đã bắt đầu từ trước đó, nảy sinh từ những lợi ích chiến lược chung và sự cô lập địa chính trị mà cả hai phải đối mặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Vào những năm 1960 và 1970, cả Ấn Độ và Israel đều phải đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây - Ấn Độ sau cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962 và các cuộc xung đột tiếp theo với Pakistan, còn Israel do những cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông. Những hạn chế tương đồng này đã mở ra cơ hội cho sự hợp tác quốc phòng bí mật. Các nguồn tin cho thấy Israel đã cung cấp cho Ấn Độ vũ khí nhỏ, đạn dược và thiết bị trinh sát trong các cuộc chiến năm 1962 và 1965 với Trung Quốc và Pakistan. Mặc dù không chính thức vào thời điểm đó, sự hỗ trợ này đã đặt nền móng cho một mối quan hệ đối tác sâu rộng hơn nhiều trong tương lai.

Bước ngoặt quan trọng đến vào năm 1992 với việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ bắt đầu công khai mua sắm công nghệ quốc phòng từ Israel, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài các đối tác truyền thống là Nga và các nước châu Âu. Chuyên môn của Israel trong lĩnh vực chiến tranh bất đối xứng, chống khủng bố và các giải pháp quốc phòng công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với những nhu cầu an ninh cấp bách của Ấn Độ, đặc biệt ở các khu vực như Kashmir và các vùng biên giới nhạy cảm.

Một trong những thương vụ mua sắm lớn đầu tiên là UAV IAI Searcher, mang lại cho Ấn Độ khả năng giám sát thời gian thực quan trọng. Tiếp theo là các hợp đồng lớn hơn, chẳng hạn như thỏa thuận năm 2004 cho hệ thống Phalcon AWACS (Hệ thống Cảnh báo và Kiểm soát trên không), giúp tăng cường đáng kể khả năng radar trên không và cảnh báo sớm của Ấn Độ.

Ấn Độ cũng tăng cường sức mạnh hải quân bằng việc mua hệ thống tên lửa Barak-1 do Israel phát triển vào năm 2006, được thiết kế để bảo vệ tàu chiến khỏi các mối đe dọa từ trên không. Đến cuối những năm 2000, Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào việc hiện đại hóa các xe tăng T-72 thời Liên Xô bằng hệ thống điện tử và giáp bảo vệ của Israel, cải thiện đáng kể khả năng sống sót trên chiến trường.

Cuộc chiến Kargil năm 1999 càng củng cố thêm mối quan hệ đối tác này khi Israel công khai cung cấp đạn dược có độ chính xác cao, UAV và đạn pháo, đóng vai trò then chốt trong các hoạt động chiến thuật của Ấn Độ. Từ năm 2010, quan hệ đối tác đã chuyển sang giai đoạn phát triển chung và sản xuất trong nước. Một ví dụ điển hình là chương trình tên lửa chống tăng dẫn đường Spike, với hàng nghìn tên lửa đã được sản xuất theo sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ".

Những vũ khí di động, có độ chính xác cao này đã tăng cường đáng kể sức mạnh cho lực lượng trên bộ của Ấn Độ trên những địa hình hiểm trở. Ấn Độ cũng mở rộng phi đội UAV của mình bằng các máy bay không người lái Heron TP tiên tiến, có khả năng giám sát và tấn công trong thời gian dài. Từ năm 2015 đến năm 2022, các hợp đồng trị giá hơn 550 triệu USD đã được ký kết cho các hệ thống này, tiếp tục nâng cao khả năng giám sát biên giới của Ấn Độ.

Ngoài phần cứng, Ấn Độ và Israel đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tác chiến điện tử, phòng thủ mạng và chiến tranh mạng. Từ năm 2022 đến năm 2024, Ấn Độ đã phê duyệt hơn 200 triệu USD cho các hợp đồng liên quan đến chiến tranh điện tử và các hệ thống mạng của Israel, được thiết kế để chống lại các cuộc xâm nhập của UAV, gây nhiễu điện tử và tấn công mạng.

Thị phần của Israel trong nhập khẩu quốc phòng của Ấn Độ đạt khoảng 8,5% trong giai đoạn 2017-2021, đưa nước này trở thành nhà cung cấp quốc phòng lớn thứ ba của Ấn Độ sau Nga và Pháp. Tổng cộng, Israel đã xuất khẩu hơn 10 tỷ USD công nghệ quân sự sang Ấn Độ, bao gồm hệ thống tên lửa, UAV, tác chiến điện tử, nâng cấp xe bọc thép và các công nghệ mới nổi như phòng thủ mạng và trí tuệ nhân tạo.

Tác động địa chính trị của liên minh này là vô cùng to lớn. Đối với Ấn Độ, Israel cung cấp các công nghệ tiên tiến và đóng vai trò là một giải pháp thay thế quan trọng cho các nhà cung cấp truyền thống. Đối với Israel, Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng ở châu Á và là cửa ngõ để mở rộng ảnh hưởng quốc phòng của mình trong khu vực.

Mặc dù hiệu suất của các hệ thống Israel trong cuộc xung đột gần đây với Pakistan vẫn đang được đánh giá, vai trò của chúng trong chiến lược phòng thủ dài hạn của Ấn Độ là không thể phủ nhận. Mối quan hệ đối tác này tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với sự hợp tác trong tương lai dự kiến sẽ mở rộng sang các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot và giám sát vệ tinh, tiếp tục củng cố quá trình hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ trong nhiều năm tới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/hop-tac-quoc-phong-an-do-israel-tu-thoa-thuan-bi-mat-den-lien-minh-chien-luoc-20250517174057244.htm
Zalo