Mỹ, Nga, Trung Quốc và cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Phi
Mỹ, Nga, Trung Quốc đều đang cho thấy quyết tâm tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi - châu lục đen giàu tiềm năng phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu phức tạp, châu Phi nổi lên như vùng đất của sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc.
Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng tranh thủ ‘miếng bánh châu Phi’
Sự gắn kết chặt chẽ giữa Trung Quốc với châu Phi không phải mới đây. Kể từ năm 1950, chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hầu như luôn đến một hoặc nhiều quốc gia ở châu lục đen này.
Sự hợp tác này đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Vào tháng 9, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất nâng quan hệ với tất cả các nước ở châu lục đen có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lên cấp độ “chiến lược”, đồng thời cam kết cung cấp 51 tỉ USD tiền vay, đầu tư và viện trợ cho châu lục này trong ba năm tới.
Sự tham gia của Trung Quốc vào châu Phi được thúc đẩy phần lớn từ các mục tiêu kinh tế, chủ yếu được thể hiện trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). BRI mang đến các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trên khắp châu lục đen tập trung vào đường bộ, đường sắt, cảng và năng lượng.
Theo tờ The Diplomat, mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã phát triển theo cấp số nhân. Với thương mại song phương đạt tới 262 tỉ USD vào năm 2022, Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục đen. Chính sách của nước này dựa trên đầu tư quy mô lớn và triết lý “hỗ trợ không điều kiện”, nghĩa là cung cấp các sáng kiến phát triển mà không yêu cầu châu Phi tuân theo những yêu cầu như phương Tây thường áp đặt.
Ngoài lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng ở lục địa này bằng tăng cường an ninh cho các dự án mà Trung Quốc đã đầu tư. Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai hơn 20 tổ chức an ninh tư nhân tại hơn 30 quốc gia châu Phi. Ngoài ra, ước tính khoảng 1 triệu công dân Trung Quốc đang sinh sống trên khắp châu lục đen.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào kinh tế và tránh các điểm xung đột ở châu Phi, Nga đã áp dụng một chiến lược mang tính quân sự hơn. Ảnh hưởng của Moscow dựa trên việc sử dụng các nhà thầu quân sự tư nhân (PMC), đáng chú ý nhất là tập đoàn Wagner Group. Các PMC của Nga đã đến các điểm nóng xung đột ở châu lục đen mà phương Tây thường rút lui như Mali và CH Trung Phi.
Sự hiện diện quân sự tư nhân của Nga tập trung nhiều ở các khu vực xung đột nhằm cung cấp dịch vụ an ninh cho các chính phủ đang phải đối mặt với các cuộc nổi loạn hoặc bất ổn dân sự. Đổi lại, Moscow thường xuyên nhận được các hợp đồng về quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc các căn cứ quân sự quan trọng.
Mặt khác, Moscow cũng tăng cường hợp tác kinh tế với châu lục đen. Kim ngạch thương mại Nga-châu Phi đã đạt mức cao kỷ lục 24,5 tỉ USD vào năm 2023. Về mặt ngoại giao, Moscow nỗ lực thắt chặt quan hệ với châu lục đen bằng hai Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi vào các năm 2019 và 2023. Nga cũng tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi thông qua Nhóm BRICS.
Không chịu bị bỏ lại trong cuộc đua này, phương Tây thời gian gần đây tăng cường các dự án ở châu Phi. Tiêu biểu trong đó là hành lang đường sắt Lobito do Mỹ và châu Âu tài trợ.
Trong nhiều thập niên, phương Tây chủ yếu can thiệp vào châu lục đen qua viện trợ, can thiệp quân sự và hỗ trợ phát triển gắn với cải cách chính trị. Tuy nhiên, các can thiệp quân sự, như ở Libya và vùng Sahel, thường dẫn đến bất ổn lâu dài thay vì an ninh, làm gia tăng tâm lý chống phương Tây ở nhiều quốc gia châu Phi.
Tạp chí TIME dẫn nhận định của ông Charles Ray, chủ tịch Chương trình Châu Phi tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể không dành sự ưu tiên cho châu Phi như những khu vực khác khi ông nhậm chức.
Tầm quan trọng của châu Phi
Sở dĩ châu Phi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cường quốc là do tiềm năng phát triển cùng vai trò địa chiến lược quan trọng của châu lục đen này trên bản đồ thế giới.
“Mối quan tâm với châu Phi đã đạt đến đỉnh điểm trong 10 năm qua. Và điều đặc biệt thú vị là sự tham gia của những người chơi mới” - nhà kinh tế chính trị Menzi Ndlovu nói với tờ DW.
Theo trang nghiên cứu Trend Research, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chiếm 30% trữ lượng khoáng sản của thế giới, là một trong những động lực chính thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho châu Phi. Ở khu vực châu Phi cận Sahara, các quốc gia như Nigeria, Nam Phi, Angola và Ghana là những nước tiếp nhận FDI lớn trong các ngành công nghiệp khai thác.
Sự quan tâm dành cho châu lục đen đặc biệt tăng cao sau các sự kiện toàn cầu lớn. Kể từ xung đột Nga-Ukraine, các nước phương Tây đã săn đón năng lượng của châu Phi nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Ngoài tài nguyên thiên nhiên, dân số tăng nhanh và mức tiêu thụ mở rộng của châu Phi cũng khiến lục địa này trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với dân số hơn 1,2 tỉ người, dự kiến sẽ tăng lên 2,5 tỉ vào năm 2050, cùng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, nhiều công ty đa quốc gia coi châu lục đen này là một thị trường béo bở và tiềm năng. Đặc biệt, sự ra đời của khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa châu Phi năm 2018 mở ra khả năng phát triển chuỗi giá trị xuyên biên giới ở châu Phi.
Dân số cũng đem lại cho châu Phi lợi thế về nguồn lao động. Trong bối cảnh dân số đang già hóa tại nhiều khu vực trên thế giới, các thống kê chỉ ra rằng độ tuổi trung bình của châu Phi là 18, trẻ hơn 14 tuổi so với bất kỳ khu vực nào khác.
Ngoài những yếu tố trên, châu Phi cũng đang chứng tỏ vai trò như một nhân tố mới nổi trên trường quốc tế. Ngày 9-9-2023, Liên minh châu Phi (AU) đã được chấp nhận là thành viên thường trực của G20, chỉ vài tuần sau khi hiệp hội BRICS chào đón hai quốc gia châu Phi là Ai Cập và Ethiopia trở thành thành viên mới.
Các quốc gia châu Phi đã cho thấy sự quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình và yêu cầu đại diện công bằng hơn tại các diễn đàn toàn cầu và các thể chế đa phương. Tiếng nói của châu lục này cũng ngày càng được chú ý hơn. Trong xung đột Israel-Hamas, nhiều quốc gia châu Phi đã kiên quyết và nhất quán kêu gọi ngừng bắn. Nam Phi thậm chí còn đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) kiện Israel tội diệt chủng người Palestine.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng ở châu Phi, giới phân tích cho rằng chính phủ châu Phi cần tận dụng sự cạnh tranh để tìm kiếm các điều khoản và khoản đầu tư tốt hơn nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc bên ngoài làm dấy lên lo ngại về rủi ro liên quan chủ quyền và việc quá phụ thuộc vào các tác nhân nước ngoài về an ninh và phát triển.
IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế châu Phi 2025
Ngày 25-10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự đoán triển vọng kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara, cho rằng tăng trưởng khu vực sẽ đạt 3,6% vào năm 2024 và sẽ tăng lên 4,2% vào năm 2025.
Báo cáo của IMF lưu ý rằng các quốc gia trong khu vực vẫn đang vật lộn với tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô, điều kiện tài chính eo hẹp, trong bối cảnh áp lực xã hội gia tăng, khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc thực hiện cải cách.
“Các quốc gia châu Phi cận Sahara đang điều hướng một bối cảnh kinh tế phức tạp được đánh dấu bằng cả sự tiến bộ và những điểm yếu dai dẳng. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, các quốc gia thâm dụng tài nguyên, đặc biệt là các nước xuất khẩu dầu mỏ, tiếp tục vật lộn với tốc độ tăng trưởng thấp” - theo ông Abebe Aemro Selassie, Giám đốc Bộ phận châu Phi của IMF.