Giá năng lượng tiếp tục là nỗi ám ảnh cho ngành công nghiệp châu Âu
Ngành công nghiệp châu Âu đang và sẽ tiếp tục mất đi sức cạnh tranh và việc làm nếu không giải quyết được chi phí năng lượng cao so với các khu vực khác, Morten Wierod, Giám đốc điều hành công ty kỹ thuật khổng lồ ABB (Thụy Sĩ), nói với Bloomberg.
"Chi phí cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, sản xuất thép, xi măng là một thách thức và các khoản đầu tư sẽ đổ vào nơi khác ngoài châu Âu nếu tình trạng này tiếp diễn", ông Wierod nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ Ba (26/11).
Tình trạng khó khăn này sẽ cản trở việc tạo việc làm ở châu Âu, mà giám đốc điều hành cho biết, "là một mối quan ngại rõ ràng". Thận chí, ông Wierod cho biết tình trạng quan liêu cũng đang đè nặng lên ngành công nghiệp và kế sinh nhai của nhiều người lao động.
Các công ty lớn của châu Âu đã có động thái cắt giảm chi phí và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Ví dụ, Thyssenkrupp, nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức, cho biết vào thứ Hai rằng họ sẽ cắt giảm 11.000 việc làm trong bộ phận sản xuất thép vào năm 2030, trong một cuộc cải tổ lớn của công ty.
"Cần có các biện pháp khẩn cấp để cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động của chính Thyssenkrupp Steel, đồng thời đạt được mức chi phí cạnh tranh", công ty công nghiệp khổng lồ của Đức cho biết.
Khi châu Âu đang chuẩn bị cho mùa đông, giá điện bán buôn đã tăng vọt vào tháng 11 lên mức cao nhất trong 20 tháng, gây thêm gánh nặng cho các ngành công nghiệp chủ chốt ở các nền kinh tế lớn vừa mới bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Giá điện giao ngay cao nhất ở châu Âu kể từ tháng 2 năm 2023 đe dọa sản xuất công nghiệp ở các nền kinh tế chủ chốt và ảnh hưởng lớn đến tâm lý kinh doanh.
Đầu tháng này, sản lượng điện gió giảm đã thắt chặt thị trường điện ở châu Âu, với giá điện ở Đức đạt mức cao nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Chi phí năng lượng tăng cao đe dọa các nền kinh tế lớn của châu Âu, giống như Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã tránh được suy thoái trong quý 3 của năm. Ước tính sơ bộ của Eurostat cho thấy vào đầu tháng này, GDP của Khu vực đồng euro tăng 0,4% trong quý 3. Con số này cao hơn dự kiến vì hai nền kinh tế hàng đầu là Đức và Pháp đã vượt xa dự báo.