Mỹ dự kiến dừng hợp tác với một số tổ chức trong Liên Hợp Quốc
Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ dừng hợp tác với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và tiếp tục ngừng tài trợ cho cơ quan cứu trợ Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) từ ngày 4/2.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), ông Trump đã cắt nguồn tài trợ cho UNRWA, đặt dấu hỏi về giá trị của tổ chức này, đồng thời nhấn mạnh rằng người Palestine cần đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Ông cũng kêu gọi tiến hành cải cách đối với UNRWA nhưng không đưa ra các đề xuất cụ thể.
Động thái này trùng với chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từ lâu đã cáo buộc UNRWA kích động chống lại Israel và buộc tội nhân viên của cơ quan này "có liên quan đến các hoạt động khủng bố chống lại Israel".
Chính quyền Tổng thống Trump khi đó cũng đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên vào giữa nhiệm kỳ ba năm, với lý do cơ quan này thiên vị Israel và thiếu các biện pháp cải cách. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tái gia nhập cơ quan này trong nhiệm kỳ 2022-2024. Hiện tại, Mỹ không phải là thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Dự kiến vào tháng 8, một nhóm công tác của Hội đồng Nhân quyền sẽ tiến hành đánh giá hồ sơ nhân quyền của Mỹ – một quy trình định kỳ mà tất cả các quốc gia đều phải trải qua. Mặc dù hội đồng không có quyền lực pháp lý ràng buộc nhưng các cuộc thảo luận của tổ chức này vẫn mang ý nghĩa chính trị quan trọng và những lời chỉ trích có thể tạo ra áp lực toàn cầu buộc các chính phủ phải điều chỉnh chính sách.
Kể từ khi tái nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và Thỏa thuận khí hậu Paris. Đây cũng là những quyết định mà ông từng thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon, ngày 3/2 đã hoan nghênh các động thái dự kiến của ông Trump, đồng thời cáo buộc Hội đồng Nhân quyền "tích cực thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan".
Trong khi đó, vào tuần trước, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) khẳng định rằng tổ chức này đang là mục tiêu của một "chiến dịch thông tin sai lệch" nhằm "bôi nhọ cơ quan này như một tổ chức khủng bố".
Mỹ từng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, đóng góp từ 300-400 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, tháng 1/2024, cựu Tổng thống Biden đã tạm dừng tài trợ sau khi Israel cáo buộc khoảng một chục nhân viên UNRWA có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10/2023 do lực lượng Hamas thực hiện, dẫn đến cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm tại Gaza.
Sau đó, Quốc hội Mỹ chính thức đình chỉ tất cả các khoản tài trợ cho UNRWA ít nhất đến tháng 3/2025. Tổ chức này hiện đang cung cấp viện trợ nhân đạo, dịch vụ y tế và giáo dục cho hàng triệu người Palestine tại Gaza, Bờ Tây (bao gồm miền Đông Jerusalem), Syria, Lebanon và Jordan.
Liên Hợp Quốc cho biết có thể có 9 nhân viên UNRWA tham gia vào vụ tấn công ngày 7/10 và họ đã bị sa thải. Một chỉ huy Hamas tại Lebanon - người bị Israel tiêu diệt vào tháng 9/2024 - cũng được phát hiện từng làm việc cho UNRWA. Liên Hợp Quốc cam kết sẽ điều tra tất cả các cáo buộc, đồng thời đã nhiều lần yêu cầu Israel cung cấp bằng chứng, nhưng phía Israel chưa đưa ra thông tin cụ thể.
Lệnh cấm của Israel có hiệu lực từ ngày 30/1, ngăn UNRWA hoạt động trên lãnh thổ nước này hoặc liên lạc với chính quyền Israel. UNRWA cảnh báo rằng các hoạt động tại Gaza và Bờ Tây cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.