Chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel tác động ra sao đến lệnh ngừng bắn ở Gaza?
Ông Amin Saikal, Giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đóng vai trò quyết định đối với thành công cho giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn, hoặc sẽ kéo dài thêm cuộc chiến.
Theo hãng tin CNA, lệnh ngừng bắn mong manh ở Gaza giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra dù có nhiều khó khăn, do sự ngờ vực và thù địch sâu sắc giữa các bên tham chiến.
Kể từ khi lệnh ngừng bắn được ban hành gần ba tuần trước, Hamas đã trả tự do cho hơn một chục con tin Israel bị bắt vào ngày 7/10/2023, để đổi lấy khoảng 400 tù nhân Palestine từ các nhà tù Israel. Nếu tiến trình này tiếp tục diễn ra suôn sẻ, số con tin và tù nhân còn lại có thể được trả tự do trong giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn.
Mặc dù có chút hy vọng, nhưng khả năng đàm phán về các điều kiện và thời hạn cho các giai đoạn thứ hai và thứ ba của lệnh ngừng bắn vẫn sẽ rất khó khăn. Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố lệnh ngừng bắn chỉ là “tạm thời”.
Trong giai đoạn thứ hai, tất cả các con tin Israel, cả những người đã chết và còn sống, sẽ được trao trả để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Israel cũng dự kiến sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza như bước mở đầu cho quá trình tái thiết khu vực này trong giai đoạn cuối của lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, có một số vấn đề có thể cản trở tiến trình này, bao gồm hai yếu tố quan trọng: Một là mục tiêu chưa đạt được của Israel trong việc xóa sổ Hamas và bảo vệ Gaza; hai là quyết tâm của Hamas giành lại quyền kiểm soát Gaza.
Một yếu tố quan trọng khác là ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù ông Netanyahu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ ông Trump, nhưng vẫn chưa rõ Tổng thống Mỹ sẽ can thiệp thế nào vào xung đột này.
Theo các nhà quan sát, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington tuần này có thể là yếu tố then chốt đối với thành công cho giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn.
Sự tồn tại của Hamas và mục tiêu chiến tranh của Israel
Trong suốt 15 tháng qua, Israel đã tấn công Gaza nhằm làm suy yếu Hamas, nhưng vẫn chưa tiêu diệt được nhóm này. Sự xuất hiện của các chiến binh Hamas được trang bị vũ khí hiện đại và có tinh thần chiến đấu cao trong các đợt trao đổi con tin đã chứng minh rằng nhóm này vẫn còn mạnh mẽ.
Điều này cho thấy sự thất bại của Israel trong việc đạt được mục tiêu “nhổ tận gốc” Hamas và giải cứu con tin thông qua hành động quân sự. Việc ông Netanyahu chấp nhận lệnh ngừng bắn ở thời điểm này chứng tỏ rằng vũ lực không phải là phương án duy nhất để đối phó với Hamas. Với tình thế bế tắc kéo dài, ông có thể đã chấp nhận lệnh ngừng bắn sớm hơn để đảm bảo việc thả con tin nhanh chóng mà không phải chịu thêm thiệt hại.
Vào giữa tháng , Cựu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng sự tồn tại của Hamas vẫn là mối đe dọa lớn, vì nhóm này tiếp tục tuyển dụng chiến binh mới để thay thế những người đã chết trong cuộc chiến. Hamas vẫn duy trì quyền kiểm soát chính quyền và lực lượng an ninh tại Gaza, bất chấp các nỗ lực tấn công từ Israel.
Đối với ông Netanyahu và những người ủng hộ, nhiệm vụ tiêu diệt Hamas vẫn chưa hoàn thành. Một số nhà quan sát cho rằng chính sự tồn tại của Hamas có thể thúc đẩy Israel tiếp tục cuộc chiến sau khi tất cả con tin được giải cứu.
Mong muốn của ông Trump
Tương lai của lệnh ngừng bắn dường như phụ thuộc vào cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump tại Washington. Theo các phương tiện truyền thông, ông Netanyahu rất muốn thấy vai trò của ông Trump trong giai đoạn thứ hai của thỏa thuận trước khi các cuộc đàm phán tiếp tục.
Gần đây, ông Trump đã hối thúc các lãnh đạo Ai Cập và Jordan đồng ý tiếp nhận người dân tại Gaza, để “dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ”. Ông cho rằng việc tái định cư cho phần lớn dân số gồm 2,3 triệu người ở Gaza có thể mang tính tạm thời hoặc lâu dài.
“Nơi đó giờ chỉ là đống đổ nát”, ông Trump nói, đề cập tình trạng của Gaza sau khi bị xung đột tàn phá.
Tuy nhiên, Cairo, Amman, cũng như các quốc gia Arab khác, đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng này. Hamas cũng như Chính quyền Palestine ở Bờ Tây lên án mạnh mẽ đề xuất của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Trump cho rằng các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordan cuối cùng sẽ thay đổi ý định vì Mỹ đã làm rất nhiều cho họ - có lẽ ám chỉ sự phụ thuộc của những quốc gia này vào khoản viện trợ hàng năm đáng kể của Washington.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, nó có thể dẫn đến thêm xung đột và bất ổn ở Trung Đông, đồng thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến của người Palestine và giải pháp hai nhà nước của cộng đồng quốc tế.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, nó sẽ không chỉ là “công thức” cho nhiều cuộc đổ máu và bất ổn hơn ở Trung Đông, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến của người Palestine và giải pháp hai nhà nước của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù vẫn còn chút hy vọng về việc tiếp tục ngừng bắn và thực hiện giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn, nhưng vẫn rất có khả năng ông Netanyahu sẽ quay lại hành động quân sự để tiêu diệt Hamas và thực hiện kế hoạch sáp nhập một phần hoặc toàn bộ Gaza, theo hướng ông Trump đề xuất.
Theo các nhà quan sát, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Netanyahu mạnh mẽ đến mức có thể dẫn đến việc Israel tuyên bố chủ quyền đối với Bờ Tây. Với tình hình bất ổn hiện tại, giai đoạn thứ ba của lệnh ngừng bắn liên quan đến việc tái thiết Gaza, với chi phí dự kiến hơn 80 tỷ USD, vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy.