Mỹ bất ngờ ủng hộ các nước có kế hoạch gửi quân đội tới Ukraine
Theo hãng tin RBC-Ukraine, Mỹ đã đồng ý không chính thức hoạt động cung cấp bảo đảm an ninh cho các quốc gia thuộc 'liên minh tự nguyện' – những nước có kế hoạch gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ.

Lãnh đạo các quốc gia châu Âu chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh “Liên minh tự nguyện" ủng hộ Ukraine tại Paris, Pháp ngày 27/3/2025. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Thông tin trên được hãng tin của Ukraine trích đẫn từ tờ The Telegraph của Anh. Theo đó, các quan chức Anh tiết lộ rằng các đại diện của Mỹ đã đồng ý cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho quân đội châu Âu tại Ukraine nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình trên bộ, trên không và trên biển.
Theo tờ The Telegraph, Thủ tướng Anh Keir Starmer đươc cho là đã dành thời gian 2 tháng qua với nhiều động thái gia tăng áp lực lên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm đảm bảo nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Trong bình luận với The Telegraph, ông Starmer xác nhận rằng đã có tiến triển về vấn đề bảo đảm an ninh từ phía Mỹ.
"Các cuộc thảo luận đang diễn ra và ông ấy (Tổng thống Mỹ Trump) đã nói nhiều lần rằng ông ấy sẽ ủng hộ chúng tôi, như bạn biết đấy. Và tôi đã nói rõ rằng đó là một yếu tố cấu thành quan trọng trong những gì chúng ta cần thực hiện", Thủ tướng Anh cho biết.
Tờ báo của Anh cũng lưu ý rằng nếu máy bay, tàu chiến và binh lính được triển khai tới Ukraine, họ sẽ cần đến các chuỗi cung ứng và hỗ trợ trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của Nga trong lãnh thổ Ukraine cũng như bên ngoài biên giới.
Thời gian qua, Anh và Pháp đã dẫn đầu các nỗ lực của châu Âu nhằm đảm bảo hòa bình ở Ukraine sau khi một lệnh ngừng bắn được các bên đồng thuận cũng như trong trường hợp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình. Hai quốc gia châu Âu này đã thành lập "liên minh tự nguyện" với mục tiêu tập hợp các quốc gia sẵn sàng gửi quân đến Ukraine hoặc cung cấp hỗ trợ cần thiết cho việc này.
Trước đó vào ngày 10/4, khoảng 30 Bộ trưởng Quốc phòng từ các quốc gia thuộc "liên minh tự nguyện" đã nhóm họp tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) nhằm thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Khi đó, nhiều quốc gia tham dự khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ trong tiến trình thúc đẩy hòa bình tại Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Annit Hakkanen nhấn mạnh Mỹ vẫn là nhân tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho rằng thành công tại Ukraine sẽ cần Mỹ tham gia "dưới hình thức nào đó".
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans gọi sự ủng hộ của Mỹ là rất quan trọng, dù hình thức hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ cấu của phái bộ châu Âu. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Kaja Kallas, đã xác nhận các bộ trưởng đang nỗ lực duy trì sự tham gia của Mỹ trong tiến trình này.
Ukraine cũng kêu gọi Mỹ trở thành một trong những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước nay, nhưng đến nay Washington vẫn chưa chính thức đưa ra những cam kết cụ thể.
Nga đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ khả năng quân đội phương Tây hiện diện tại nước láng giềng này dưới bất kỳ hình thức nào. Trong cuộc phỏng vấn với TASS, ông Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội phương Tây tại Ukraine có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO, với nguy cơ leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba. Ông Shoigu nhấn mạnh Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị xâm lược, bất kể hành động xâm lược đó được tiến hành bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ khác, một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch quân đến Ukraine là Anh đã từ bỏ ý tưởng này. Thông tin trên đã được tờ Times đăng tải cách đây ít ngày. Tuy vậy, phía Anh cho biết vẫn cam kết hỗ trợ quân sự với Ukraine.