Các quốc đảo Thái Bình Dương thúc giục các nước phát triển cắt giảm khí thải
Các quốc đảo Thái Bình Dương kêu gọi các nước phát triển nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính, đồng thời cảnh báo thời gian để giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C đang ngày càng thu hẹp.

Khói thải từ nhà máy Alsachimie - Butachimie ở khu công nghiệp thuộc Chalampe miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo The Guardian, tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ công bố các kế hoạch cắt giảm khí thải mới trong năm nay theo thỏa thuận Paris, tuy nhiên đến nay chỉ một số ít quốc gia hoàn thành nghĩa vụ này, trong khi nhiều kế hoạch đệ trình lại không đáp ứng quy mô hành động cần thiết.
Trong thư gửi các nước phát triển, các quốc đảo Thái Bình Dương thúc giục phải có hành động mạnh mẽ hơn nhằm cắt giảm lượng khí carbon. Các đảo cũng nhấn mạnh các nước phát triển chưa nêu rõ cách thức thực hiện cam kết tài trợ dòng tài chính khí hậu trị giá 1.300 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo vào năm 2035.
“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về thực tế mà chúng tôi đang đối mặt: sự an toàn của các đảo phụ thuộc vào cam kết tập thể của các bạn trong việc thực hiện những hành động quyết đoán. Câu hỏi duy nhất lúc này là: các bạn sẽ làm gì với nhận thức đó?” – các quốc gia nhấn mạnh trong bức thư mà Guardian tiếp cận được.
“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về thực tế mà chúng tôi đang đối mặt. Sự an toàn của các đảo phụ thuộc vào cam kết chung của các bạn trong việc thực hiện những hành động quyết đoán. Câu hỏi duy nhất lúc này là các bạn sẽ làm gì với nhận thức đó?” - các quốc gia nhấn mạnh trong bức thư mà The Guardian tiếp cận được.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc Cop29 năm ngoái, các quốc đảo nhỏ và nhóm các nước kém phát triển từng rời khỏi các cuộc đàm phán vì thất vọng. Các đảo hiện tiếp tục kêu gọi các nước phát triển thực hiện những hành động cụ thể trước thềm Cop30, dự kiến tổ chức tại Brazil vào tháng 11 năm nay.
Ngoài ra, một số quốc đảo Thái Bình Dương đã tham gia vụ kiện nhằm buộc các nước phát triển chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế về những thất bại trong hành động khí hậu.
Theo thỏa thuận Paris, các quốc gia có nghĩa vụ cắt giảm lượng khí thải nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù Mỹ từng rút khỏi thỏa thuận này nhưng hiện không có quốc gia nào khác chính thức rút lui. Tuy nhiên, các cam kết hiện tại được đánh giá sẽ dẫn tới mức tăng nhiệt độ trung bình khoảng 2,8 độ C, cho thấy nhu cầu cấp bách về các biện pháp cắt giảm sâu rộng hơn.
Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia nộp bản kế hoạch quốc gia - gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - trước tháng 9 năm nay, sau khi phần lớn các nước bỏ lỡ thời hạn ban đầu vào tháng 2. Cơ quan này cũng khuyến khích các quốc gia dành thêm thời gian để xây dựng NDC chi tiết, kèm theo các chính sách cụ thể, thay vì vội vã nộp để kịp thời hạn cũ.
Dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ đệ trình NDC vào mùa hè này, trong khi Trung Quốc vừa cam kết sẽ công bố kế hoạch của mình trước Cop30 nhưng chưa xác định thời điểm cụ thể.
Trong thư, các quốc đảo nhấn mạnh rằng "đây là thời điểm để thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết. Các quốc đảo kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo, đặc biệt là các nước thuộc nhóm G20, đệ trình các NDC đầy tham vọng, phù hợp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, bao phủ toàn bộ nền kinh tế và tất cả các loại khí nhà kính, trước kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9". Các quốc đảo cũng lưu ý rằng NDC phải tập trung vào việc cắt giảm khí thải trong nước thay vì dựa vào các cơ chế bù đắp carbon, đồng thời đề nghị các nước sẵn sàng sửa đổi các kế hoạch tại Cop30 nếu các cam kết hiện tại chưa đủ đáp ứng mục tiêu đề ra.
Bức thư cũng nhắc lại cam kết toàn cầu về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, yêu cầu các chính phủ nêu chi tiết trong NDC cách thức tiến hành việc này.
Các quốc đảo cảnh báo rằng, trong khi các nước phát triển có thể lo ngại về chi phí hỗ trợ các quốc gia nghèo, thì chi phí của sự chậm trễ và không hành động sẽ còn cao hơn nhiều. Theo các quốc đảo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ vòng lặp thảm họa thiên nhiên, sự sụp đổ của hệ sinh thái, hệ thống lương thực, nền kinh tế và di cư hàng loạt.
Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng và quan chức cấp cao từ hơn 60 quốc gia đã họp tại London vào ngày 24 và 25/4 để thảo luận về an ninh năng lượng. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband khẳng định rằng không thể đảm bảo an ninh quốc gia nếu không có các chính sách khí hậu mạnh mẽ. Anh hiện là một trong số ít quốc gia phát triển đã đệ trình NDC mới lên Liên hợp quốc. Các tổ chức xã hội dân sự cũng kêu gọi các NDC phải chi tiết và gắn liền với các chính sách thực tế, thay vì chỉ đề ra các mục tiêu dài hạn và mơ hồ.