Mỹ - Iran tiếp tục đàm phán vòng 3 về chương trình hạt nhân
Ngày 26.4, vòng đàm phán gián tiếp ở cấp cao cũng như cấp chuyên gia giữa hai phái đoàn Iran và Mỹ nhằm xây dựng khung thỏa thuận tiềm năng cho chương trình hạt nhân Iran tiếp tục diễn ra tại Oman.
Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán kỹ thuật của hai phái đoàn Iran và Mỹ diễn ra tại Oman, trước vòng đàm phán cấp cao thứ ba. Phái đoàn Mỹ do đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu, trong khi Ngoại trưởng Abbas Araghchi làm trưởng phái đoàn các nhà ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật của Iran. Đây cũng là cuộc gặp thứ ba giữa ông Witkoff và ông Araghchi trong vài tuần gần đây, nhằm tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tới Oman hôm 25.4. Ảnh: AP
Những tuyên bố lạc quan
Sau hai vòng đàm phán gián tiếp vừa qua, mặc dù chưa đạt bước đột phá lớn, song Mỹ và Iran đang tiến gần hơn tới việc thiết lập nền tảng thương lượng cho các cuộc thảo luận trong tương lai, tạo động lực cho các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng sâu sắc kéo dài nhiều năm qua.
Trong một tuyên bố trước thềm đàm phán, Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sẽ dẫn đến một thỏa thuận tốt cho cả thế giới.
“Tình hình Iran đang diễn biến rất tốt. Chúng tôi đã có nhiều cuộc đàm phán với họ và tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một thỏa thuận, tôi muốn có một thỏa thuận hơn là một giải pháp thay thế khác. Điều đó sẽ tốt cho nhân loại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, và cảnh báo về khả năng hành động quân sự nếu Iran không đạt được thỏa thuận.
Về phía Iran, sau vòng nhóm họp thứ hai tại Rome, Italy hôm 19.4, Iran tuyên bố đang tìm cách đạt một thỏa thuận hạt nhân trong tương lai gần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei khẳng định, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Tehran và Washington đã diễn ra trong không khí xây dựng: “Trong vòng đàm phán thứ hai kéo dài hơn 4 tiếng, chúng tôi đã đạt được tiến triển rất tốt trong các cuộc thảo luận trực tiếp và cả gián tiếp”.
Cơ hội cho một thỏa thuận
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt toàn diện theo chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran. Đầu tháng 3 vừa qua, ông Donald Trump đã gửi thư cho Đại giáo chủ Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, kêu gọi đàm phán. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết Tehran từ chối đàm phán trực tiếp với Washington, song sẵn sàng đàm phán thông qua trung gian.
Theo đánh giá của giới phân tích, tiến triển trong các cuộc đàm phán vừa qua là dấu hiệu cho thấy cả Iran và Mỹ đều muốn sớm đạt một thỏa thuận. Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Iran - vào năm 2018, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ giờ đây đang giúp khai thông bế tắc kéo dài liên quan vấn đề hạt nhân của Iran.

Bên trong một cơ sở chuyển đổi uranium gần Isfahan, Iran, ngày 30.3.2005. Ảnh: Getty Images
Hiện vẫn chưa rõ vòng đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran lần này sẽ khác biệt như thế nào so với Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) ban đầu, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng các cuộc đàm phán cần phải đi đến một thỏa thuận toàn diện hơn so với thỏa thuận cũ, do chương trình hạt nhân của Iran hiện đã phát triển hơn nhiều.
Dù vậy, sau nhiều năm đối đầu và các hành động thù địch giữa Mỹ và Iran, các cuộc đối thoại hiện nay được coi là những tín hiệu lạc quan giúp xây dựng lòng tin và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.