Mỹ áp thuế với Việt Nam: Cơ hội phát triển thị trường nội địa

Trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng với các nước trong đó có Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội vàng để cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi bằng các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp

Sáng 25/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước". Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn Phạm Đức Sơn cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, tiêu điểm là cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ - Trung Quốc, cùng với đó là nguy cơ bảo hộ thương mại trở thành xu hướng lan nhanh.

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ được tạm hoãn 90 ngày nhưng những diễn biến này đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam và đặt ra vấn đề cấp bách làm sao để củng cố một cách căn bản thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường sức chống chịu trước những biến động toàn cầu.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm.

“Như vậy, để đạt tăng trưởng GDP như vậy, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%. Đây là con số rất thách thức. Qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch Covid-19. Ngoài ra, với tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9%, thì để đạt mục tiêu 12%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái”, ông Tuấn chỉ rõ.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khi Chính quyền Mỹ đưa ra mức áp thuế quan với các quốc gia, theo ông Tuấn cần có giải pháp để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, hay các thị trường truyền thống có rủi ro về thuế.

Song song với đó, kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, nhấn mạnh chất lượng và giá trị của hàng hóa nội địa. Thúc đẩy du lịch nội địa - Phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng các chính sách tài chính ưu đãi chính sách thuế. Phát triển hạ tầng thương mại hiện đại. Nâng cấp chợ truyền thống - Ứng dụng công nghệ số vào quản lý và thanh toán tại các chợ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, để tăng hiệu quả và tiện lợi cho người tiêu dùng. Phát triển bán lẻ hiện đại...

Ông Tuấn cho biết, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế VAT, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước phối hợp triển khai các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và sản xuất bền vững.

 Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa

Theo ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), thuế quan Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Cụ thể, khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nếu nguồn cung và chất lượng đảm bảo.

“Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt”, ông Thắng nói, bổ sung rằng các ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, chính sách thuế hỗ trợ sản xuất nội địa.

Ông Thắng khuyến nghị thúc đẩy cầu nội địa để củng cố trụ cột tăng trưởng bền vững này. Chi tiêu hộ gia đình hiện chiếm trên 53–57% GDP Việt Nam, tức cầu nội địa là động lực chính của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng tạo đòn bẩy tài chính giúp hộ gia đình mua sắm, nâng cấp nhà cửa, xe cộ, học hành… sớm hơn, từ đó kích cầu sản xuất và dịch vụ.

Tín dụng và tiêu dùng lan tỏa đến các ngành sản xuất và dịch vụ. Khi người dân vay tiêu dùng để mua hàng hóa - dịch vụ, các ngành như bán lẻ, điện tử, nội thất, du lịch, giáo dục, y tế đều được hưởng lợi.

Để tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nội địa, ông Thắng đề xuất phát triển sản phẩm thông qua các gói vay nhỏ - linh hoạt - không tài sản đảm bảo phục vụ các nhu cầu chi tiêu thực: mua đồ gia dụng, học phí, du lịch nội địa, chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng tiêu dùng xanh/số: vay mua xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng bền vững. Đẩy mạnh tái cấu trúc nợ, giãn nợ có kiểm soát để hỗ trợ người dân trong giai đoạn tài chính khó khăn.

Về giải pháp vĩ mô đối với cấp chính sách và nhà nước, ông Thắng đề xuất ưu tiên room tín dụng cho vay tiêu dùng trong chính sách điều hành; bù lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng thiết yếu qua ngân sách nhà nước; mở rộng cơ sở dữ liệu tín dụng và hỗ trợ xếp hạng tín dụng cá nhân giúp các ngân hàng phê duyệt cho vay tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp nhanh; tích hợp tín dụng tiêu dùng vào các chương trình kích cầu quốc gia; kết hợp chính sách thuế – trợ giá với tín dụng tiêu dùng hàng Việt.

PGS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, dữ liệu cho thấy trong cấu trúc GDP, khu vực tư nhân chiếm sản lượng 51% còn khu vực FDI chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ chiếm 25-27%, trong đó khu vực FDI chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP của Việt Nam.

Từ đó, doanh nghiệp nội địa chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và tương lai của khu vực doanh nghiệp trong nước là thị trường nội địa. Cần đặt vấn đề khảo sát thị trường nội địa gắn với khu vực tư nhân nội địa, vốn chiếm 84% thị trường lao động. Nếu khu vực này không ổn, động lực tăng trưởng sẽ không được đảm bảo.

"Về cơ bản, cần tập trung bàn những vấn đề căn cơ, gắn với doanh nghiệp, công nghiệp, cấu trúc thương mại, gồm những vấn đề sinh tử, buộc chúng ta tư duy lại toàn bộ cấu trúc phát triển, sống còn hiện nay. Trong bối cảnh rủi ro suy thoái thế giới rõ ràng, Việt Nam cần bơm tiền để "tháo" đầu tư ra, tăng dòng chảy của tiền. Đó là những cách cơ bản, khơi thông được thị trường vốn lớn", ông Thiên nói.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/my-ap-thue-voi-viet-nam-co-hoi-phat-trien-thi-truong-noi-dia-d57939.html
Zalo