Hai câu chuyện về thuế và góc nhìn đa chiều
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, chính sách thuế cần phát huy vai trò vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng.
Sức “nóng” từ mỗi câu chuyện về thuế
Thuế là một công cụ phổ biến được các quốc gia sử dụng để điều hành kinh tế vĩ mô. Tại Việt Nam, thuế là nguồn thu lớn, chiếm khoảng 4/5 tổng thu ngân sách nhà nước. Cơ cấu thuế có những tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế và mỗi sắc thuế có sự đóng góp khác nhau. Vì vậy, mỗi vấn đề liên quan đến thuế đều nhận được sự quan tâm lớn.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Ảnh minh họa
Trong những ngày qua, có hai câu chuyện về thuế được bàn thảo sôi nổi tại các phiên họp từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các diễn đàn, hội thảo của ban ngành: Thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong đó, với thuế giá trị gia tăng (VAT), tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất giảm 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Bên cạnh đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn, ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu..., việc tiếp tục giảm thuế VAT có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.
Nhưng nếu như câu chuyện giảm thuế VAT nhận được sự đồng tình cao từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp thì câu chuyện về việc tăng thuế quá cao và đột ngột như các phương án trong dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) còn đang gây nhiều băn khoăn, lo lắng. Đây là dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng, quyết định tăng thuế là một vấn đề quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cũng như sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia và nước giải khát có đường. Vì vậy, câu chuyện này cần nhìn từ mọi góc độ, cần tìm kiếm phương pháp hài hòa với doanh nghiệp, tìm kiếm lộ trình, thời điểm phù hợp.
Tăng “sức khỏe” doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu
Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 đạt mức từ 8% trở lên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách.

Ảnh minh họa
Một lộ trình tăng thuế hợp lý về cả mức thuế và thời gian áp dụng sẽ giúp hài hòa các mục tiêu của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời giúp “khoan sức doanh nghiệp”, hỗ trợ họ hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong thời gian tới.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với nền kinh tế về trung, dài hạn. “Tăng thuế càng nhanh, càng cao, tổng hòa lợi ích giảm càng nhiều” như nhận xét của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc ổn định chính sách thuế trong nước, xem xét giãn lộ trình và giảm mức tăng thuế là một giải pháp hợp thời thế.
Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các chính sách về thuế cần tiếp tục phát huy tốt vai trò vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kích cầu tiêu dùng nội địa. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng, tránh gây sốc cho thị trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, ưu tiên hiện nay là cần có những phương án tăng thuế “đỡ sốc” cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng GDP, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, ổn định đời sống người lao động. Từ đó, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, phân phối… cũng sẽ được bảo toàn.