CEO Mai Kiều Liên: Sữa nội vẫn có lợi thế dù thuế nhập khẩu giảm

Tổng giám đốc Vinamilk cho biết việc giảm thuế sữa nhập khẩu từ Mỹ về 0% không ảnh hưởng lớn đến thị phần, do sản phẩm nội địa có lợi thế về độ tươi, logistics và mức giá phù hợp.

 Tổng giám đốc Mai Kiều Liên trả lời cổ đông tại buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra chiều 25/4. Ảnh: Chụp màn hình.

Tổng giám đốc Mai Kiều Liên trả lời cổ đông tại buổi họp ĐHĐCĐ diễn ra chiều 25/4. Ảnh: Chụp màn hình.

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) chiều 25/4 đã tổ chức buổi họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 theo hình thức trực tuyến.

Ít chịu ảnh hưởng từ câu chuyện thuế quan

Trả lời câu hỏi từ cổ đông về khả năng cạnh tranh khi thuế nhập khẩu sữa từ Mỹ có thể giảm về 0%, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết theo đánh giá chủ quan, điều này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Vinamilk.

Cụ thể, bà Liên phân tích hiện sữa nước nhập khẩu đang chịu thuế 2-15%, nếu thuế này về 0%, thị trường có thể có một số biến động, nhưng sữa nước nhập khẩu vẫn khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước do yếu tố tươi mới và lợi thế logistics.

Với sữa bột, hiện thuế nhập khẩu ở mức 10%. Nếu được miễn thuế, sự thay đổi là tương đối, tuy nhiên chênh lệch giá giữa các phân khúc sản phẩm vẫn rất lớn. Sữa nhập khẩu từ Mỹ nếu ở phân khúc cao cấp cũng không rẻ hơn đáng kể so với các sản phẩm đang có trên thị trường.

Theo bà Liên, thị trường sữa bột đã định hình từ lâu nên tác động từ việc điều chỉnh thuế nhập khẩu sẽ không quá lớn. Trong khi đó, sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt giữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động, nên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, dù cao cấp hay siêu cao cấp, cũng khó thay đổi cục diện chung của thị trường.

Tổng giám đốc Vinamilk nhận định thị trường nội địa vẫn là chủ yếu. Còn về xuất khẩu, bà Liên nhìn nhận dù tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk vẫn chiếm tỷ trọng không lớn, do đó chưa gây ảnh hưởng lớn đến tổng thể hoạt động.

 Sữa đặc Vinamilk sắp được xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: VNM.

Sữa đặc Vinamilk sắp được xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: VNM.

Trước những khó khăn trong những năm qua, bà Liên cho biết Vinamilk vẫn kiên định với chiến lược tập trung vào chất lượng, giá cả hợp lý và dịch vụ tốt, đặt lợi ích người tiêu dùng, cổ đông và xã hội lên hàng đầu. "Chúng tôi không chọn cầm cự, mà chọn hành động", bà Liên khẳng định.

Theo bà, trong quý I, Vinamilk đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh truyền thống. Doanh nghiệp đã rà soát lại toàn bộ nhà phân phối và đội ngũ kinh doanh từ giám đốc vùng, trưởng nhóm, giám sát đến nhân viên.

Sau quá trình tái cấu trúc, từ đầu tháng 4, kết quả kinh doanh tại Vinamilk đã có diễn biến tích cực, với doanh số tháng 4 ước tính tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ.

Bà Liên cho rằng điểm yếu lớn nhất của Vinamilk vài năm qua là kênh phân phối nội địa, đặc biệt là mạng lưới 250.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống. Từ năm nay, Vinamilk sẽ làm mới toàn diện lực lượng này, tuyển dụng thêm nhân sự trẻ để cải tổ từ gốc.

"Tôi nghĩ chúng tôi đã đi đúng hướng. Cải tổ đội ngũ kinh doanh nội địa là cải tổ quan trọng nhất của Vinamilk", bà nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quý I, Vinamilk đã ra mắt và tái tung gần 20 sản phẩm mới, nổi bật như: sữa chua uống thanh trùng Green Farm, sữa chua ăn cao đạm mật ong ngũ cốc, sữa chua thực vật 9 loại hạt, sữa hỗ trợ kiểm soát cân nặng…

Về xuất khẩu, Tổng giám đốc cho biết đầu năm nay, Vinamilk ghi nhận tín hiệu tích cực khi sản phẩm sữa đặc bước đầu tiếp cận được thị trường châu Âu. Kết quả xuất khẩu quý I tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong 6 quý liên tiếp, với doanh số dự kiến tăng hai con số.

Lên kế hoạch doanh thu kỷ lục

Tại đại hội, cổ đông thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 64.505 tỷ đồng và lãi trước thu 9.680 tỷ, tăng lần lượt 4,3% và 2,4% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mức cổ tức bằng tiền năm 2025 tối thiểu bằng 50% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2025 cũng được thông qua. Đồng thời, giao cho HĐQT quyết định mức cổ tức và thời gian tạm ứng cổ tức cho từng đợt phù hợp với kế hoạch cổ tức ở trên.

Căn cứ theo kết quả kinh doanh năm 2025, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ tổng mức cổ tức bằng tiền chính thức của năm 2025 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2026.

Đối với kế hoạch trả cổ tức năm 2024, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình tài chính hiện tại, HĐQT công ty nâng mức chi cổ tức năm 2024 lên 43,5%, tương đương 4.350 đồng/cổ phiếu. Đây là mức cổ tức tiền mặt cao nhất mà Vinamilk chi trả cho cổ đông kể từ năm 2018 (45%).

Tính đến nay, công ty đã tạm ứng hai đợt cổ tức với tổng số tiền 4.180 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 20%). Phần cổ tức còn lại của năm 2024 là 23,5% mệnh giá, tương đương 2.350 đồng/cổ phiếu, sẽ được chi trả trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc đại hội.

Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk dự kiến chi tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng để hoàn tất nghĩa vụ cổ tức năm 2024. Nguồn chi trả sẽ được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, căn cứ theo báo cáo tài chính quý gần nhất trước thời điểm thanh toán.

Về thành viên HĐQT, Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Lee Meng Tat và ông Hoàng Ngọc Thạch đã công bố trước đó.

Hai thành viên được bầu bổ sung mới là ông Vũ Trí Thức - đại diện nhóm cổ đông SCIC nắm giữ 36% tổng số cổ phần và bà Tongjai Thanachanan - đại diện nhóm cổ đông F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&NBev Manufacturing Pte Ltd nắm giữ 20,39% cổ phần.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/ceo-mai-kieu-lien-sua-noi-van-co-loi-the-du-thue-nhap-khau-giam-post1548691.html
Zalo