Đề xuất nhiều chính sách giảm thuế kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nên giảm thuế VAT 2% với toàn bộ mặt hàng hiện đang chịu thuế suất 10%; lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Tại Hội thảo Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, để kích cầu thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa, như gia hạn giảm thuế VAT, và chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển thị trường trong nước, triển khai các gói tín dụng ưu đãi…

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc giảm thuế VAT 2% là một trong những giải pháp về thuế hiệu quả nhất hiện nay. Vì thuế VAT được tính trực tiếp vào giá bán sản phẩm, nên khi thuế giảm, giá bán hàng hóa và giá nguyên vật liệu đầu vào cũng sẽ giảm theo, qua đó giúp giảm chi phí tiêu dùng cho người dân và chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Do đó, VTCA kiến nghị tất cả các mặt hàng hiện đang chịu thuế suất VAT 10% đều được giảm 2% xuống còn 8%. Việc này sẽ góp phần trực tiếp vào việc giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải gánh nhiều chi phí như lãi vay, nguyên liệu, logistics... Đồng thời, nếu áp dụng mức thuế 8% đồng nhất, việc hạch toán thuế đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng và minh bạch hơn, giảm gánh nặng thủ tục hành chính.

 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Về chính sách Thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị áp dụng phương án lùi thời gian điều chỉnh thuế đối với mặt hàng rượu, bia. Cụ thể, đề xuất thay đổi biểu thuế bắt đầu từ năm 2027, với mức tăng 5% vào năm 2027 và tiếp tục tăng thêm 5% mỗi năm sau đó. Cách làm này nhằm tránh gây “cú sốc” thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Đối với thuế áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể, cần xem xét giảm, miễn hoặc giữ ở mức rất thấp. Riêng với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, quy mô tương đương doanh nghiệp, nên áp dụng chính sách thuế tương tự như doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế hỗ trợ giãn, giảm thuế để khuyến khích họ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Chủ tịch VTCA cũng kiến nghị cân nhắc lại cách tính thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và hoạt động kinh doanh. Cụ thể, cần điều chỉnh ngưỡng thu nhập tính thuế theo từng bậc. Ví dụ, hiện nay mức thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng đã bị áp thuế suất 35% là khá cao. Đề xuất nâng ngưỡng này lên, để mức thuế suất 35% chỉ áp dụng với phần thu nhập tính thuế từ 200 - 300 triệu đồng/tháng trở lên.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả kinh doanh. Đơn cử như, một đơn vị đóng góp thuế năm 2025 là 100 tỷ, nếu năm sau đóng 150 tỷ thì sẽ hưởng phần giảm thuế trong 50 tỷ đó. Ông Thành nhấn mạnh, cần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu dùng thì mới tạo ra công ăn, việc làm, người lao động có tiền mới tiêu.

Bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, cho rằng bên cạnh việc đàm phán chính sách thuế quan với Mỹ, Chính phủ Việt Nam cần chủ động minh bạch hơn về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, cần làm rõ nội dung, thành phần sản phẩm và có cơ chế chứng minh rõ ràng nhằm giải tỏa các quan ngại liên quan đến nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, cần đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Cũng theo bà Hà, phía Mỹ đã nêu lên một số lo ngại liên quan đến các rào cản kỹ thuật phi thuế quan, bao gồm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế, phí khác. Do đó, bà đề xuất Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm điều chỉnh tăng các sắc thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, vì điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình đàm phán thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh chính sách về thuế, theo Chủ tịch VTCA, thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế bao gồm hoàn thuế, khai thuế, nộp thuế cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, ngành thuế đang tiến hành rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế. Cụ thể, từ tổng số 219 thủ tục hiện có, đã cắt giảm 97 thủ tục, chỉ còn lại 122 thủ tục. Trong số đó, tiếp tục có kế hoạch rà soát để cắt giảm thêm khoảng 30%, nhằm giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quy trình khai, nộp và hoàn thuế cũng đang được đẩy mạnh. Ví dụ, năm nay, với những cá nhân cần hoàn thuế thu nhập cá nhân, chỉ cần thực hiện trên phần mềm eTax Mobile là sẽ nhận được ngay gợi ý số thuế cần quyết toán. Sau đó, có thể nộp thuế trực tiếp trên hệ thống một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Để chính sách thuế phát huy hiệu quả, cần phải kết hợp chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đi kèm với các giải pháp hỗ trợ khác như đảm bảo nguồn nguyên liệu, tín dụng,... Tất cả các biện pháp này sẽ góp phần giúp sản xuất phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững”, bà Cúc bày tỏ.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-nhieu-chinh-sach-giam-thue-kich-cau-tieu-dung-trong-nuoc-ho-tro-doanh-nghiep-d57949.html
Zalo