Mức tiêu dùng của Hoa Kỳ giảm mạnh nhất từ năm 1990 do cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump

Tâm lý tiêu dùng Mỹ lao dốc 32% do chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump, kỳ vọng lạm phát cao nhất 43 năm, dấy lên lo ngại suy thoái.

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 4, khi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng gây xáo trộn nền kinh tế toàn cầu. Thông tin này được ghi nhận trong một báo cáo mới vừa công bố.

Hình minh họa người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Getty

Hình minh họa người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Getty

Theo Viện Nghiên cứu Xã hội thuộc Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm tới 32% kể từ tháng 1, đây là một thước đo dựa trên cuộc khảo sát hàng tháng về triển vọng tài chính của người dân Mỹ .

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 1990. Cụ thể, chỉ số này đã tụt xuống còn 52,2 trong tháng 4, từ mức 57 của tháng 3.

Lần gần đây nhất chỉ số rơi xuống dưới ngưỡng 55 là vào mùa hè năm 2022, thời điểm lạm phát tại Mỹ chạm mức 9%.

Bà Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng, cho biết trong một tuyên bố: “Triển vọng kinh tế đã trở nên bi quan hơn đối với hầu hết người dân, bất kể độ tuổi, trình độ học vấn, mức thu nhập hay quan điểm chính trị. Người tiêu dùng đang cảm nhận rõ những rủi ro đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất ổn kéo dài trong chính sách thương mại và nỗi lo về khả năng lạm phát quay trở lại trong tương lai”.

Cùng với đó, kỳ vọng về lạm phát của người tiêu dùng cũng tăng vọt. Từ mức 5% trong tháng 3, con số này đã nhảy lên 6,5% trong tháng 4 - mức cao nhất kể từ năm 1981.

Điều này cho thấy một thực tế đáng chú ý: dù Tổng thống Donald Trump khẳng định các biện pháp thuế quan sẽ mang lại nguồn thu lớn và chưa làm tăng giá cả, ông vẫn chưa thể thuyết phục được đông đảo người dân Mỹ tin vào hiệu quả của chính sách này.

Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đã khiến các nhà đầu tư hoang mang. Điều này dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đầu tuần này, ông đã hạ giọng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sau nhiều tuần biến động căng thẳng. Thị trường tài chính nhanh chóng phục hồi khi Tổng thống tuyên bố thuế quan áp lên Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể”, dù ông cũng nhấn mạnh rằng mức thuế sẽ không về con số zero.

Dẫu vậy, phản ứng của Phố Wall thường nhanh nhạy hơn so với người tiêu dùng. Bằng chứng là tâm lý người dân về nền kinh tế đã suy giảm liên tục trong suốt 4 tháng qua.

Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp mức thuế quan cao nhất, giúp thị trường chứng khoán khởi sắc, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với tháng 3.

Không chỉ lo ngại về lạm phát, người tiêu dùng Mỹ còn dự đoán thu nhập của họ sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Điều này khiến nhiều người trở nên dè dặt hơn trong việc chi tiêu trong những tháng sắp tới. Hệ quả là nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng tăng trưởng ì ạch.

Bà Joanne Hsu nhận định: “Nếu không có nguồn thu nhập ổn định và đủ mạnh, người dân khó có thể duy trì mức chi tiêu cao khi họ đang đối mặt với hàng loạt tín hiệu cảnh báo về kinh tế.”

Dũng Phan ( Theo The Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muc-tieu-dung-cua-hoa-ky-giam-manh-nhat-tu-nam-1990-do-cuoc-chien-thue-quan-cua-tong-thong-donald-trump-10288502.html
Zalo