Ông Nguyễn Đức Thụy: 'LPBank luôn muốn chia cổ tức càng cao càng tốt'

Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy cho biết ngân hàng luôn cố gắng chia cổ tức cho cổ đông ở mức cao, đồng thời bày tỏ mong muốn cổ đông sẽ đóng góp nhiều hơn, thông qua sử dụng các sản phẩm của LPBank.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy (giữa) chủ trì ĐHĐCĐ năm 2025, bên cạnh Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Hồ Nam Tiến và Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà. Ảnh: LPBank

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy (giữa) chủ trì ĐHĐCĐ năm 2025, bên cạnh Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Hồ Nam Tiến và Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà. Ảnh: LPBank

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank – HOSE: LPB) được tổ chức thành công ngày 27/4. Tại đại hội, cổ đông ngân hàng đã thông qua toàn bộ 3 nội dung chính, bao gồm thành lập công ty quản lý nợ, kế hoạch kinh doanh năm 2025 và kế hoạch chia cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 25%.

Theo báo cáo tư cách cổ đông tham dự đại hội, tại thời điểm chốt quyền tham dự đại hội (ngày 3/2/2025), LPBank có 29.501 cổ đông. Tính đến 9h sáng 27/4, đại hội thường niên của LPB có sự tham dự của 187 cổ đông và người được ủy quyền, đại tiện có 2,77 tỷ cổ phiếu, tương đương 92,86% vốn điều lệ ngân hàng.

Chi gần 7.500 tỷ đồng chia cổ tức

Tại đại hội lần này, vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu là việc ngân hàng quyết tâm chia cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 25% - mức cổ tức tiền mặt cao hàng đầu hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Với gần 2,99 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, LPBank sẽ phải chi ra 7.468,2 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết HĐQT lúc nào cũng mong muốn chia cổ tức ở mức tối đa cho các cổ đông.

“Năm ngoái, chúng tôi hứa sẽ chia cổ tức hàng năm từ 16,8% trở lên đến khoảng 20%. HĐQT LPBank luôn mong muốn chia tỷ lệ các năm tiếp theo càng cao càng tốt, song còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, thuế quan và các biến động trong và ngoài nước. Trong trường hợp bối cảnh không thuận lợi thì mình phải chịu,” ông Thụy chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Thụy phát biểu tại đại hội, cho biết LPBank sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ cổ tức ở mức cao. Ảnh: LPB

Ông Nguyễn Đức Thụy phát biểu tại đại hội, cho biết LPBank sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ cổ tức ở mức cao. Ảnh: LPB

Ông Nguyễn Đức Thụy cho biết ngân hàng các năm tiếp theo có thể chia 20% bằng tiền và 5-7% bằng cổ phiếu, ông cũng bày tỏ mong muốn cổ đông sẽ đóng góp nhiều hơn, thông qua sử dụng sản phẩm của LPBank “giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu đề ra, làm cơ sở cho việc chi trả cổ tức”.

Theo Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Hồ Nam Tiến, sau nhiều năm LPBank thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tiện tại của ngân hàng đã đạt được 29.872 tỷ (tính đến 31/3/2025) và vốn chủ sở hữu lên tới 45.000 tỷ. Hiện nay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của LPBank đến ngày 31/3 là 13,81%, cao hơn so với quy định của NHNN là 8%.

Đánh giá việc chia cổ tức bằng tiền mặt mang lại lợi ích cho cổ đông, ông Hồ Nam Tiến cho biết HĐQT và Ban điều hành của LPBank đã tính toán sau khi chia cổ tức, tối ưu bảng cân đối kế toán và các khoản đầu tư, tăng chất lượng tài sản lên thì hệ số CAR vẫn được đảm bảo, không ảnh hưởng gì đến các hệ số an toàn của ngân hàng.

Thành lập công ty xử lý nợ

Tại đại hội năm 2025, cổ đông LPBank đã thông qua tờ trình về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC) với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

LPBank AMC được kỳ vọng sẽ giúp LPBank tối ưu việc quản lý tài sản, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trong 3 năm đầu hoạt động, tổng doanh thu của LPBank AMC dự kiến đạt 1.114 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 682 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều biến cố lớn như đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine, và gần đây nhất là áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Theo ông Bùi Thái Hà, những yếu tố phát sinh này gây khó khăn cho nền kinh tế và gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Công ty xử lý nợ không phải là chủ đề mới, khi đã đã nhiều ngân hàng ở Việt Nam thành lập. Việc mở LPBank AMC để thực hiện chuyên nghiệp công tác xử lý và khai thác tài sản, giúp ngân hàng tập trung vào các hoạt động cốt lõi nhằm gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Đi sâu hơn vào những tác động từ chính sách thuế quan của chính phủ Mỹ, ông Bùi Thái Hà cho biết điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngay từ đầu, ban lãnh đạo LPBank đã có những cuộc họp, thống kê đánh giá, đưa ra giải pháp, trong đó có thành lập LPBank AMC để đối phó.

“Rất may mắn LPBank chỉ có 0,3% dư nợ tín dụng cho các doanh nghiệp dự kiến chịu tác động bởi các chính sách thuế quan của Mỹ. Theo tôi đánh giá là cũng không nhiều,” ông Bùi Thái Hà chia sẻ với cổ đông.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 22%

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của LPBank được tổ chức trong bối cảnh ngân hàng vừa ghi nhận mức tăng trưởng lịch sử trong năm 2024. Trong đó, tổng tài sản tại cuối năm 2024 của ngân hàng LPBank tăng tới 33% lên 508.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ đó tăng 73% lên 12.168 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2008.

Tiếp nối thành công của năm 2024, tại đại hội lần này, ban lãnh đạo LPBank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm trước.

Chỉ tiêu này được xây dựng trên mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 3,5% lên 525.890 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng thị trường 1 tăng 15,8% lên 383.931 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và tình hình thị trường.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ong-nguyen-duc-thuy-lpbank-luon-muon-chia-co-tuc-ca-ng-cao-ca-ng-tot-40914.html
Zalo