'Mùa xuân đại thắng' qua những thước phim

Những ngày tháng Tư lịch sử, đội chiếu phim, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã đưa bộ phim tài liệu 'Mùa xuân đại thắng' về công chiếu ở cơ sở. 'Mùa xuân đại thắng' đã gây xúc động mạnh cho tất cả người xem về ký ức một thời hoa lửa của toàn dân tộc. Sức hút của bộ phim còn khẳng định, lịch sử dân tộc vẫn mãi là nhu cầu tìm hiểu, là khát vọng tìm về của mọi thế hệ…

Bộ phim "Mùa xuân đại thắng" mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem. Ảnh: Minh Quang

Bộ phim "Mùa xuân đại thắng" mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem. Ảnh: Minh Quang

Biết tin buổi tối tại nhà văn hóa thôn, Trung tâm Văn hóa tỉnh công chiếu bộ phim tài liệu “Mùa xuân đai thắng”, cựu binh Vũ Văn Đến ở thôn Thái Bình, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) đã rất háo hức để đi xem. Ông Đến nghẹn ngào xúc động khi được nhìn lại những thước phim lịch sử như tái hiện lại những tháng năm của một thời hoa lửa mà ông đã từng đi qua.

Ông Đến chia sẻ, bản thân ông tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1972 cho tới ngày giải phóng. Ngày 30/4/1975, khi đơn vị của ông đang tiến vào Long An thì nhận được tin quân ta toàn thắng, cờ Tổ quốc đã tung bay ở dinh Độc lập, đất nước trọn niềm vui.

“Một cảm giác nghẹn ngào không thể nói bằng lời. Niềm hạnh phúc quá lớn lao, vậy là đất nước đã thống nhất. Trong giờ phút ấy, tôi nghẹn ngào bởi những người đồng đội vừa ngã xuống, họ đã không kịp chờ đợi đến khoảnh khắc đặc biệt này. Máu xương và tuổi trẻ của biết bao thế hệ đã đổi lấy chiến thắng vĩ đại của ngày 30/4/1975 lịch sử. Hôm nay, được xem lại những thước phim tư liệu của lịch sử dân tộc, tôi thấy xúc động lắm. Tôi như tìm thấy mình trong những người lính trẻ ấy, quyết liệt và khao khát tự do”- ông Đến xúc động.

Là một trong số những người trẻ tuổi đến với buổi chiếu phim bằng sự háo hức tìm hiểu về lịch sử, chị Phạm Thị Trang cho biết, đất nước đang sống trong những ngày sục sôi khí thế hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, việc đưa những bộ phim tài liệu về lịch sử dân tộc về với người dân là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Tôi cũng đưa cả con mình tới buổi chiếu phim này. Được xem những thước phim quý này, với tôi là một cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ và chân thực nhất về sự khốc liệt của chiến tranh, về sự dũng cảm, oanh liệt của những người lính trẻ năm xưa. Từ đó, mà bồi tụ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, quê hương, xây dựng lý tưởng sống đẹp, sống xứng đáng với những hi sinh của thế hệ cha ông.

Cựu chiến binh Vũ Văn Đến (áo xanh) như tìm lại được những năm tháng của tuổi trẻ qua từng thước phim. Ảnh: Minh Quang

Cựu chiến binh Vũ Văn Đến (áo xanh) như tìm lại được những năm tháng của tuổi trẻ qua từng thước phim. Ảnh: Minh Quang

Buổi chiếu phim lịch sử “Mùa xuân đại thắng” ở Nhà văn hóa thôn Thái Bình thu hút hàng trăm lượt người đến xem với đủ mọi lứa tuổi. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn đối với những người làm nhiệm vụ chiếu phim lưu động như ông Hoàng Hữu Vượng, Tổ trưởng Tổ chiếu phim lưu động số 2, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Sự háo hức, đợi chờ của người dân trước giờ công chiếu, khiến cho ông Vượng nhớ lại những buổi đi chiếu phim lưu động của hơn 20 năm về trước.

Ông Vượng bảo, ngày ấy, phương tiện thô sơ, chỉ bằng những chiếc xe máy cũ, đằng sau chở lỉnh kỉnh những thiết bị máy móc như máy chiếu phim, loa, máy phát điện…, những người chiếu phim lưu động cần mẫn đưa phim về cơ sở.

Thời tiết thì không phải lúc nào cũng thuận lợi, những người chiếu phim như ông sợ nhất là trời mưa, vì người có thể ướt, chứ máy móc thì không thể để dính hạt nước mưa nào. Các bộ phim được lựa chọn chiếu cũng chưa đa dạng, ít sự lựa chọn, vậy nhưng ngày ấy, bà con đi xem phim háo hức lắm.

Những buổi chiếu phim, nhất là phim về đề tài chiến tranh, về lịch sử của dân tộc thì luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia, không khí náo nhiệt chộn rộn cả một vùng. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn đối với những người làm công việc chiếu phim lưu động.

Ngày nay, nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người dân cũng đa dạng hơn. Đội chiếu phim cũng như bước vào một mặt trận mới. Để hấp dẫn được người xem, những người chiếu phim lưu động tích cực tìm giải pháp để nâng cao chất lượng phim, cải thiện hình thức hoạt động; đầu tư các trang thiết bị, máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ… để đáp ứng kịp thời nhu cầu văn hóa cho người dân.

Đội chiếu phim lưu động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bố trí địa điểm, tìm các bộ phim phù hợp với địa phương, tích cực cập nhật những bộ phim mới, có ý nghĩa và mang nội dung giáo dục cao.

Thay vì đưa phim về chiếu ở UBND xã như trước đây, bây giờ đưa phim về phục vụ bà con ở tận các các thôn, làng. Đề tài phim cũng đa dạng hơn, ngoài những bộ phim về lịch sử dân tộc, về Bác Hồ… cũng có những chủ đề khác nhau, phản ánh những vấn đề lớn trong thực tiễn cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Vượng cho biết thêm, bây giờ đời sống hiện đại, mỗi người dân đều có thể tự tiếp cận với phim ảnh bằng các thiết bị hiện đại, tuy nhiên, những đợt chiếu phim lưu động vẫn có chỗ đứng ý nghĩa trong lòng khán giả.

Một phần, các khán giả tìm đến buổi chiếu phim như một sự nhắc nhớ về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, một thời cầm đèn dầu, nương ánh trăng đi xem phim. Phần nữa, là họ muốn tiếp cận với những nguồn phim có chất lượng. Trong không gian của cộng đồng, họ có thể xem xuyên suốt một bộ phim dài.

“Tôi nhớ có lần đưa phim về chiếu ở Trại giam Ninh Khánh, bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Trong phim, có phân cảnh Bác Hồ đứng ở bờ sông đọc câu thơ: Chiều chiều ra đứng bờ sông, muốn về thăm mẹ mà không có đò… ", đến đoạn này thì nhiều phạm nhân nữ đã bật khóc nức nở. Có lẽ, những thước phim chân thực ấy đã chạm tới thẳm sâu cảm xúc của những người từng “ngang dọc” một thời, góp phần đánh thức bản thiện, thắp lên cho họ một niềm khát vọng để phấn đấu, rèn luyện và sớm trở về hòa nhập cộng đồng.

Hay như khi chúng tôi đưa bộ phim “Thành cổ - máu và hoa” đi chiếu phục vụ các bác thương, bệnh binh đang điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan; phục vụ nhân dân ở cơ sở trong dịp 27/7, nhiều người có công, các cựu chiến binh đã đến xem và nghẹn ngào nước mắt khi được nhìn lại một phần đã đi qua của cuộc đời mình.

Ở một góc độ nào đó, những buổi chiếu phim lưu động, với những bộ phim đề tài lịch sử đã đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân” - ông Vượng nói.

Thu Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mua-xuan-dai-thang-qua-nhung-thuoc-phim-106348.htm
Zalo