Mùa tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học ở Hà Nội, TP.HCM dự kiến tăng học phí
Nhiều trường đại học đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2025, trong đó, một số đơn vị dự kiến tăng học phí, có trường tăng tới hơn 100 triệu đồng/năm học.
Thời điểm này, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã công bố thông tin tuyển sinh hoặc đề án tuyển sinh đại học năm 2025. Bên cạnh các phương thức xét tuyển, điều thí sinh và phụ huynh quan tâm là mức học phí cho năm học 2025-2026 liệu có chênh lệch so với năm học trước nhiều hay không.
Để thí sinh và phụ huynh tiện theo dõi, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và thống kê thông tin học phí năm học 2025-2026 cũng như biến động học phí của một số cơ sở giáo dục đại học so với năm học trước.
Theo đề án tuyển sinh năm 2025, học phí đại học chính quy chương trình chuẩn năm học 2025 - 2026 của Đại học Kinh tế Quốc dân dao động từ 18 đến 25 triệu đồng.
Mức học phí này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái. Năm học 2024 - 2025, học phí chương trình chuẩn theo từng ngành/chương trình học của trường dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học.
Năm 2025, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tại Trường Đại học Thương mại, theo đề án tuyển sinh năm 2025, học phí năm học 2025-2026 của trường dao động từ 2,4 đến 2,79 triệu đồng/tháng, tương đương 24 đến 27,9 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo chuẩn; 3,85 triệu đồng/tháng, tương đương 38,5 triệu đồng/năm học (10 tháng) cho các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP).
So với năm học 2024-2025, học phí chương trình chuẩn tăng nhẹ từ 24 - 26 triệu đồng/năm học lên 24 - 27,9 triệu đồng/năm học. Chương trình IPOP, tiên tiến tăng từ 26 - 35 triệu đồng/năm học lên 38,5 triệu đồng/năm học.
Năm 2025, nhà trường tuyển sinh theo 6 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ/chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả học tập cấp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thông tin học phí năm học 2025 - 2026 của Trường Đại học Thương mại. (Ảnh chụp màn hình)
Học viện Ngân hàng dự kiến áp dụng học phí với sinh viên nhập học năm học 2025-2026 từ 26,5 - 28 triệu đồng/năm học với chương trình chuẩn, còn với chương trình liên kết quốc tế, học phí từ 40 - 50 triệu đồng/năm học, theo thông tin từ đề án tuyển sinh đại học chính quy 2025.
Cả hai nhóm chương trình đào tạo này đều có sự biến động về học phí so với năm học trước. Cụ thể, chương trình chuẩn tăng từ 25–26,5 triệu đồng lên 26,5–28 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm học 2024-2025, các chương trình liên kết quốc tế của trường có mức học phí dao động từ 37–60 triệu đồng.
Về phương thức tuyển sinh, năm 2025, nhà trường xét tuyển với 5 phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ); Xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (V-SAT, HSA); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Sinh viên Học viện Ngân hàng. (Ảnh: website nhà trường)
Theo thông tin tuyển sinh đại học 2025, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng/năm học với 40 ngành hệ tiêu chuẩn, 15 ngành hệ tài năng, 8 ngành kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp.
Các chương trình đào tạo có học phí 60 triệu đồng/năm bao gồm: 1 ngành chuyển tiếp Nhật Bản (2 năm sau là 91 triệu đồng), 2 ngành định hướng Nhật Bản.
Các chương trình có học phí 80 triệu đồng/năm bao gồm: 1 ngành chương trình tiên tiến, 27 ngành dạy và học bằng tiếng Anh, 2 năm đầu chương trình chuyển tiếp quốc tế (2 năm sau là 532-900 triệu đồng).
Đặc biệt, các ngành chuyển tiếp quốc tế có mức học phí cao nhất và tăng nhiều nhất. Nếu như năm học 2024-2025 học phí các ngành này dao động từ 532 - 799 triệu đồng/năm học thì năm nay mức học phí lên tới 532- 900 triệu đồng/năm học (tương đương tăng từ 28 - 101 triệu đồng).
Năm 2025, lần đầu tiên nhà trường có 2 ngành thuộc chương trình liên kết cử nhân kỹ thuật quốc tế, học phí là 256 triệu đồng/năm học.
Trong năm 2025, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xét tuyển theo 2 phương thức chính gồm: Xét tuyển thẳng (theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo), chiếm 1% - 5% tổng chỉ tiêu và Xét tuyển tổng hợp, chiếm 95% - 99% tổng chỉ tiêu.

Học phí một số ngành chương trình chuyển tiếp quốc tế của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)
Theo thông tin đăng tải trên website, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh công bố mức học phí dự kiến toàn khóa (tuyển sinh năm 2025) cho các ngành đào tạo hệ đại học chính quy dao động từ 110 - 116 triệu đồng/năm học (trung bình 912.760 - 961.520 đồng/tín chỉ).
Mức học phí này tăng từ 3 - 5 triệu đồng/năm học so với năm 2024 (863.000 đồng/tín chỉ lý thuyết).
Năm 2025, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng 5 phương thức xét tuyển, bao gồm: Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; Sử dụng kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và lớp 12; Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành; Xét tuyển theo kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông theo tổ hợp môn tương ứng với từng ngành.

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)
Trường Đại học Mở Hà Nội là trường đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư với mức học phí dự kiến năm học 2025-2026 dao động từ 21,5 đến 22,9 triệu đồng/năm học, theo đề án tuyển sinh năm 2025.
Trong khi đó, mức học phí năm học 2024-2025 tại trường dao động từ 19,7 đến 20,3 triệu đồng. Như vậy, học phí năm nay của trường tăng từ 1,8-2,6 triệu đồng so với năm ngoái.
Năm 2025, Trường Đại học Mở Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4.140 chỉ tiêu theo 6 phương thức xét tuyển: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu để xét tuyển.

So sánh học phí năm học 2024-2025 (trái) và 2025-2026 (phải) tại Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Trên website chính thức, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh công bố mức học phí dự kiến năm học 2025-2026 dao động từ 24 - 49,5 triệu đồng/năm học, tăng 1,5 - 2 triệu đồng so với năm học 2024-2025.
Trong đó, học phí chương trình chuẩn dao động từ 24-28,5 triệu đồng/năm học, cao nhất là các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật. Các chương trình chất lượng cao hầu hết thu học phí 46,5 triệu đồng/năm học. Riêng các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin có học phí là 49,5 triệu đồng/năm học.
Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, nhà trường xét tuyển theo nhiều phương thức như: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IB từ 26 điểm trở lên, A-Level từ C trở lên ở mỗi môn, hoặc SAT từ 1100 điểm trở lên; Xét tuyển thí sinh đạt kết quả học tập Tốt và kết quả rèn luyện Tốt các trường trung học phổ thông có theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định; Xét tuyển thí sinh đạt kết quả học tập Tốt và kết quả rèn luyện Tốt các trường trung học phổ thông; xét học bạ kết hợp với chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học bạ.

Học phí dự kiến năm học 2025-2026 (phải) tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,5-2 triệu đồng so với năm học trước. (Ảnh website nhà trường)
Năm 2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh mức học phí với chương trình cử nhân tài năng là 1.100.000 đồng/tín chỉ, tương đương 20,9 triệu đồng/năm học (khoảng 19 tín chỉ) cho chương trình tiếng Việt và 1.900.000 đồng/tín chỉ, tương đương 36,1 triệu đồng/năm cho chương trình tiếng Anh.
Mức học phí này tăng 2,375 đến 4,1 triệu đồng/năm so với năm học trước (học phí năm học 2024-2025 là 975.000 đồng/tín chỉ cho chương trình tiếng Việt và 1.685.000 đồng/tín chỉ cho chương trình tiếng Anh).
Các chương trình tiên tiến quốc tế giảng dạy bằng tiếng Việt có học phí khoảng 24,7 triệu đồng/năm học (1.300.000 đồng/tín chỉ), chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhân hệ số 1,4 (tương đương 34,58 triệu đồng/năm học).
So với năm học 2024-2025, mức học phí năm nay tăng 4,47 triệu đồng với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt (học phí năm học 2024-2025 là 20,23 triệu đồng/năm học), và tăng 6,251 triệu đồng ở chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (học phí năm học 2024-2025 là 28,329 triệu đồng/năm học).
Chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA, ICAEW) có học phí tiếng Việt khoảng 24,7 triệu đồng/năm học (1.300.000 đồng/tín chỉ), trong khi tiếng Anh là khoảng 36,1 triệu đồng/năm học (1.900.000 đồng/tín chỉ).
Năm 2024, học phí tiếng Việt ở chương trình này là 20,23 triệu đồng/năm học (1.065.000 đồng/tín chỉ) và học phí tiếng Anh là hơn 32 triệu đồng/năm học (1.685.000 đồng/tín chỉ).
Năm 2025, nhà trường áp dụng 5 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển thí sinh có kết quả học tập tốt; Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (áp dụng cho cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long), kết quả kỳ thi V-SAT (chỉ áp dụng cho cơ sở Vĩnh Long và do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thi năm 2025) kết hợp với trình độ tiếng Anh quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tại Trường Đại học Sài Gòn, theo thông tin đăng tải trên website, học phí dự kiến toàn khóa các ngành tuyển sinh năm 2025 dao động từ hơn 73,7 đến hơn 193,4 triệu đồng (tương đương trung bình khoảng từ hơn 18,42 đến hơn 48,35 triệu đồng/năm học).
Năm 2024, học phí toàn khóa tại nhà trường dao động từ 68,5 đến hơn 147 triệu đồng (tương đương trung bình khoảng 16,45 đến hơn 36,75 triệu đồng/năm học). Như vậy, mức tăng học phí của trường năm nay khoảng từ 1,97 đến 11,6 triệu đồng so với năm ngoái.

Học phí dự kiến toàn khóa các ngành tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Sài Gòn. (Ảnh chụp màn hình)
Năm nay, nhà trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển sử dụng kết quả kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đối với các ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; Xét tuyển sử dụng kết quả kì thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) đối với các ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; Xét tuyển sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

So sánh học phí năm học 2024-2025 và 2025-2026 của một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. (Ảnh: Đình Nam)