Mở rộng miễn học phí với học sinh ngoài công lập: Quyết sách đảm bảo tính công bằng

Dù gánh nặng học phí chỉ được giảm một phần nhỏ nhưng chính sách miễn học phí cho học sinh cả trường công lẫn trường tư từ năm học 2025-2026 sẽ đem đến những tác động không nhỏ với gần 2 triệu học sinh ngoài công lập.

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Cả nước đang chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026. Với các thành phố lớn, đây là cuộc thi nhiều áp lực do chỗ học tại trường công không đáp ứng đủ số học sinh tốt nghiệp THCS.

Đơn cử như Hà Nội, sẽ có khoảng 48.000 học sinh phải học ngoài công lập hoặc giáo dục nghề nghiệp khi vào lớp 10. Điều này đem lại không ít nỗi lo chi phí cho các gia đình có con trong độ tuổi đi học.

"Nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 đang rất lo lắng vì nếu con không đỗ được vào trường công thì gánh nặng học phí tại trường ngoài công lập sẽ ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình. Đặc biệt là thời điểm hiện nay, công việc đang thiếu ổn định, chờ sắp xếp, tinh giản", chị Nguyễn Bội Lan, một phụ huynh có con học trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội), chia sẻ.

Theo tính toán của chị Lan, với tổng thu nhập của hai vợ chồng là hơn 20 triệu đồng/tháng, khoản chi cho việc học hành của hai con mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng thì số tiền còn lại phải rất tiết kiệm để đảm bảo sinh hoạt gia đình.

Do vậy, nếu con không đỗ vào trường công thì chi phí sẽ tăng ít nhất khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. "Đây là khoản chi không nhỏ với một gia đình công chức có 2 con đi học", chị Lan khẳng định.

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Nội), cho biết, nhiều học sinh của cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì ít được đầu tư học tập, sức học của nhiều em không đủ để vào trường công nên bắt buộc phải vào trường tư thục.

Gia đình đã khó khăn lại càng thêm khó khi chi phí học tập dù ở mức khoảng 2 triệu đồng/tháng cũng là gánh nặng và là nguyên nhân khiến không ít học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học vì gia cảnh quá khó khăn.

Việc hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm đảm bảo thực thi chính sách thống nhất và công bằng cho tất cả người học. Ảnh minh họa

Việc hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm đảm bảo thực thi chính sách thống nhất và công bằng cho tất cả người học. Ảnh minh họa

Công bằng và cần thiết

Ngày 17/4/2025, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025-2026, cũng đã có kết luận yêu cầu Đảng ủy Chính phủ, Bộ GD-ĐT mở rộng đối tượng miễn học phí đối với học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông tại các trường dân lập, tư thục.

Theo đó, học sinh trường dân lập, tư thục được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định (phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả). Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí và sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Được biết, cả nước đã có nhiều tỉnh, thành miễn phí học phí cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 từ năm học 2024-2025 như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái...

Tuy nhiên, với học sinh ngoài công lập, chính sách này vẫn chưa được nhiều địa phương thực hiện, ngoại trừ TPHCM sẽ áp dụng chính sách này từ năm học 2025-2026. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, Thành phố mong muốn triển khai một chính sách giáo dục thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến người dân, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo niềm tự hào về sự phát triển của địa phương.

Với quyết định này, các gia đình có con đi học sẽ được miễn học phí tùy theo cấp học và đối tượng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tháng/học sinh.

Đánh giá về việc học sinh học trường tư thục cũng sẽ thuộc đối tượng được miễn học phí từ năm học tới, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết, mặc dù mặt bằng kinh tế của phụ huynh học sinh nhà trường ở mức khá nhưng khi có thông tin này, nhiều phụ huynh rất vui.

"Chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới phổ thông, kể cả công lập và dân lập, có thể không đem lại nhiều lợi ích kinh tế với các gia đình có điều kiện, tự nguyện cho con theo học các trường tư thục nhưng rõ ràng, miễn học phí không chỉ giúp giảm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình đông con, mà còn tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả học sinh, bất kể hoàn cảnh gia đình.

Nhờ đó, các em dù học ở ngôi trường nào cũng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, góp phần nuôi dưỡng ước mơ xây dựng một xã hội văn minh, phát triển. Đây cũng là điều mà những nhà giáo dục chúng tôi mong muốn lâu nay", thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết.

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, trong năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó, số học sinh ngoài công lập là 1,7 triệu em (chiếm 7% tổng số học sinh cả nước). Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc hỗ trợ học phí cho cả trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm đảm bảo thực thi chính sách thống nhất và công bằng cho tất cả người học, không phân biệt loại hình trường.

Thu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mo-rong-mien-hoc-phi-voi-hoc-sinh-ngoai-cong-lap-quyet-sach-dam-bao-tinh-cong-bang-20250422120924158.htm
Zalo