Chiến thuật với môn Ngữ văn thi vào lớp 10

Ngữ văn không còn là môn 'học thuộc'. Học sinh cần kỹ năng và năng lực đọc - viết thực sự mới có thể tự giải quyết được các câu hỏi của đề thi.

Cô Ngô Thị Thanh Huyền và học sinh Trường THCS Ban Mai trong giờ Ngữ văn.

Cô Ngô Thị Thanh Huyền và học sinh Trường THCS Ban Mai trong giờ Ngữ văn.

Cô Ngô Thị Thanh Huyền - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ những lưu ý giúp thí sinh đạt kết quả tốt với môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội.

Với sự thay đổi trong định hướng đề thi theo Chương trình GDPT 2018, môn Ngữ văn đã không còn là môn “học thuộc”, các em học sinh cần có những kỹ năng và năng lực đọc - viết thực sự mới có thể tự giải quyết được các câu hỏi của đề thi. Dưới đây là một số định hướng và phương pháp làm bài môn Ngữ văn hiệu quả:

Nắm chắc cấu trúc đề thi và các dạng bài.

Cô Ngô Thị Thanh Huyền cho biết, đề thi môn Ngữ văn vào 10 theo Chương trình GDPT 2018 gồm 2 phần chính:

Đọc hiểu (4 điểm): Văn bản là những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, thường là thơ hoặc văn xuôi hiện đại, gần gũi, mang giá trị nhân văn. Phần đọc hiểu có từ 4 - 5 câu hỏi với các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Viết (6 điểm),gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận văn học (khoảng 200 chữ); viết bài văn nghị luận xã hội (về những vấn đề gần gũi, được quan tâm trong đời sống).

Với cấu trúc này, học sinh cần nắm được các kỹ năng đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại để trả lời các câu hỏi ở phần I, hiểu và vận dụng được, liên hệ được bài học, thông điệp từ văn bản tới đời sống thực tế.

Bên cạnh đó, học sinh cần có kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận xã hội (bài văn nghị luận xã hội), đảm bảo việc tổ chức một bài văn nghị luận xã hội đủ các yếu tố: luận đề, luận điểm, lý lẽ, bằng chứng; khai thác đúng kiểu bài, biết cách sử dụng lý lẽ, bằng chứng phù hợp, lập luận thuyết phục, trình bày mạch lạc.

Chiến thuật đọc hiểu

Chủ đề của các văn bản đọc hiểu thường xoay quanh gia đình, quê hương, tuổi thơ, thiên nhiên - hướng tới những tình cảm gần gũi, cao đẹp, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi. Các dạng câu hỏi thường gặp như sau:

Thứ nhất là một số dạng câu hỏi với thơ: Xác định thể thơ, hình ảnh, mạch cảm xúc, chủ đề, biện pháp nghệ thuật…; phân tích hiệu quả biểu đạt, giá trị biểu cảm (của các hình ảnh, biện pháp tu từ); hiểu và liên hệ với thực tế cuộc sống.

Thứ hai là một số dạng câu hỏi với văn bản truyện: Xác định ngôi kể, tình huống; nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp; phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong một câu văn/ một đoạn văn cụ thể; phân tích, đánh giá được vai trò của các chi tiết quan trọng; vận dụng, liên hệ, rút ra thông điệp, bài học…

Đối với dạng câu hỏi thông điệp, học sinh được khuyến khích tự tin nêu quan điểm, miễn sao các bạn có lập luận và những cảm nhận tới từ trải nghiệm cá nhân hợp lý.

Chiến thuật viết

Đối với dạng câu hỏi viết đoạn văn nghị luận văn học: Cô Ngô Thị Thanh Huyền lưu ý đây không phải kiểu bài mới, học sinh đã được làm quen với đoạn nghị luận văn học từ lớp 6,7,8 với các mức độ và yêu cầu cần đạt khác nhau. Tới lớp 9, gần như các em đã nắm được các bước tìm ý, lập dàn ý cho đoạn nghị luận văn học và hiểu được bản chất của dạng bài này.

Để viết được đoạn nghị luận văn học, học sinh cần nắm chắc nội dung văn bản, hiểu nội dung và cách biểu đạt của tác giả thông qua hệ thống ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật. Từ việc hiểu văn bản, các bạn sẽ trình bày, phân tích, thuyết phục người đọc có cách hiểu như mình.

Đoạn văn nghị luận văn học trong đề thi vào 10 thường có dung lượng quy định khoảng 200 chữ, nêu cảm nhận về đoạn thơ, hoặc chi tiết, nhân vật truyện.

Các em lưu ý, với dung lượng này chúng ta không thể khai thác đầy đủ toàn bộ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, vì thế các em cần đặt trọng tâm vào đúng câu lệnh và phạm vi yêu cầu của đề để khai thác.

Đặc biệt, cần ghi nhớ kỹ các chi tiết tiêu biểu, hình ảnh, sự việc trong phạm vi đó. Khi viết đoạn, nên lựa chọn kiểu đoạn sẽ viết (diễn dịch, quy nạp hay tổng phân hợp). Một đoạn văn cần được viết theo một kiểu đoạn nhất định để thống nhất cách tổ chức, sắp xếp ý và trình bày được mạch lạc, chặt chẽ.

Đối với dạng câu hỏi viết bài văn nghị luận xã hội: Đây là dạng bài các em đã được làm quen từ các lớp dưới. Đề bài văn nghị luận xã hội khá rộng, có thể là những vấn đề, hiện tượng xã hội đang được xã hội quan tâm, có thể là những vấn đề thuần túy về truyền thống, đạo đức, đạo lý, cách sống, ứng xử…

Dù ở phạm vi nào, khi làm bài nghị luận xã hội, các em cũng cần chú ý các thao tác: Xác định rõ yêu cầu của đề bài; tìm ý và lập dàn ý cho bài; thực hành viết từng phần.

Trong đó nội dung phần mở bài cần nêu được vấn đề bàn luận. Thân bài cần tập trung triển khai hệ thống luận điểm và các lý lẽ, bằng chứng đi theo để chứng minh, giải thích, thuyết phục người đọc tin vào luận điểm mình đưa ra.

Lưu ý, để có được hệ thống bằng chứng hay, phong phú, các em cần chịu khó đọc thêm sách báo, nghe tin tức để cập nhật những thông tin có tính thời sự.

Các dẫn chứng mang tính chủ quan (những câu chuyện của chính cá nhân hoặc người thân/người quen, bạn bè) vẫn có thể dùng trong bài. Tuy nhiên, bên cạnh đó các em cần kết hợp với các dẫn chứng khách quan khác để tăng tính thuyết phục trong quá trình lập luận.

Chương trình Ngữ văn 2018 với tinh thần chấm khá “mở”, thầy cô trên tinh thần ghi nhận và trân trọng những ý kiến lý lẽ sáng tạo hoặc thể hiện tư duy phản biện của học sinh, miễn sao các lý lẽ đưa ra phù hợp, nhân văn.

Một vài “bí kíp”

Một vài “bí kíp” khi làm bài môn Ngữ văn được cô Ngô Thị Thanh Huyền chia sẻ như sau:

Đọc kỹ đề: Đề Ngữ văn đều là ngữ liệu mới, ngoài sách giáo khoa và là ngữ liệu lần đầu các em tiếp xúc, vì vậy các em cần dành thời gian đọc kỹ ngữ liệu và các câu hỏi trong đề. Nguyên tắc là không đọc 1 lần đã làm ngay mà nên đọc đi đọc lại 2-3 lần, gạch chân dưới các từ khóa quan trọng.

Dùng nháp - bắt buộc:Thường nhiều bạn học sinh nghĩ chỉ môn Toán mới cần nháp nhưng thực tế Ngữ văn cũng là môn các bạn thật sự rất cần nháp trước khi làm bài.

Thao tác nháp thường phải nhanh, các bạn chỉ dựng khung, sườn cho bài viết hoặc câu trả lời. Cách nhanh nhất là các bạn chỉ dùng sơ đồ, kí hiệu và các từ khóa. Việc nháp trước nội dung sẽ giúp các em định hình được trình tự viết trong đầu trước khi hạ bút. Và trong quá trình nháp, kiến thức được tái hiện có hệ thống hơn.

Ngắn gọn – đúng – trúng ý câu hỏi:Nhiều bạn nghĩ rằng, cứ trả lời môn Ngữ văn là phải dài mới hay mới được nhiều điểm. Đây là quan niệm chưa đúng. Thực tế khi chấm điểm, các thầy cô hay chấm theo ý. Điều đó có nghĩa là yếu tố quan trọng đầu tiên là các bạn cần “trả lời trúng” “trả lời đủ”, hỏi gì trả lời nấy, không cố gắng viết dài, viết thừa nội dung, vừa không có điểm, vừa tốn thêm thời gian và thậm chí có khi còn…sai hơn.

Trình bày mạch lạc- sạch sẽ- chữ viết rõ ràng: Tiến trình bài làm cần được trình bày thành các câu, các phần rõ ràng trong bài thi, tránh gạch xóa nhiều, tránh trình bày bổ sung các ý nhỏ quá nhiều. Chữ viết không nhất thiết phải thật đẹp, nhưng cần “thật rõ” các nét để giám khảo có thể đọc được, dịch được, và chấm được. Cẩn thận trong cách trình bày chính là một cách bạn tôn trọng giám khảo và tôn trọng chính bài làm của mình.

Cuối cùng, hãy “học theo cách của bạn”:Mỗi học sinh có một năng lực khác nhau với môn Ngữ văn vì vậy mỗi học sinh sẽ có thể tự chọn cho mình một phương pháp học hiệu quả và phù hợp. Các em hãy tự tin vào phương pháp chính mình lựa chọn nếu nó phù hợp và mang lại kết quả tốt.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-thuat-voi-mon-ngu-van-thi-vao-lop-10-post728244.html
Zalo