Mùa hè không… học thêm

Để mùa hè không phải là học kỳ thứ 3 có lẽ là điều đa số trẻ em đều mong muốn. Làm cách nào để có một mùa hè ý nghĩa, tránh được việc học thêm tràn lan là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.

anh chinh

anh chinh

Lo ngại biến tướng học thêm

Sau một thời gian Thông tư 29 có hiệu lực, ghi nhận thời gian qua có tình trạng biến tướng trong việc thu phí dạy thêm. Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố nêu lên phản ánh của nhân dân về tình trạng phụ huynh tự tổ chức thu tiền dưới danh nghĩa “bồi dưỡng” nhưng không công khai, dẫn đến sự không đồng thuận giữa các phụ huynh trong lớp. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc giám sát và thực thi quy định, đặc biệt tại các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường. Từ thực tế trên, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có biện pháp giám sát, thanh tra thường xuyên để bảo đảm thực hiện đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giáo viên có được dạy thêm trong dịp hè?
Kỳ nghỉ hè năm nay là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Thời điểm này, nhiều giáo viên băn khoăn, liệu họ có được dạy thêm trong dịp hè?
Đại diện Bộ GDĐT cho biết, Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm trong dịp hè. Tuy nhiên, giáo viên được phép tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh trong thời gian nghỉ hè phải thực hiện các yêu cầu kèm theo. Cụ thể, phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Căn cứ theo quy định tại điều 4 Thông tư 29, khi tổ chức dạy thêm giáo viên cần lưu ý các trường hợp không được dạy thêm như sau:
-Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
-Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
-Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên không ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức; cần ký cam kết minh bạch với phụ huynh học sinh về học phí, thời lượng, nội dung giảng dạy...
V.Anh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã nhiều lần nhấn mạnh, dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thực và đang diễn ra. Với Thông tư 29, Bộ không cấm dạy thêm, học thêm, nhưng yêu cầu đó phải là hoạt động tích cực, đúng quy định. Trong đó, đối với hoạt động dạy thêm trong dịp hè cũng tương tự như trong năm học, cần thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Thông tư 29.

Về phía các địa phương, không phải đến khi Thông tư 29 có hiệu lực, những năm qua, để tránh tình trạng học sinh đi học hè, sở GDĐT một số tỉnh, thành đã chỉ đạo cấm dạy thêm vào dịp hè để các em có thời gian nghỉ ngơi. Theo kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm 2025 cho học sinh của Sở GDĐT Hà Nội, bên cạnh các vấn đề bảo đảm an toàn trong chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh, có quy định rõ: Các cơ sở giáo dục cần lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu, kém; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình; ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2025 - 2026.

Tuy nhiên, cũng như trong năm học, nhiều ý kiến lo ngại về những biến tướng của lớp học thêm trong mùa hè này dưới nhiều hình thức như đăng ký học tự nguyện có chữ ký của phụ huynh, dạy nhóm online… Bên cạnh đó, với sự ra đời của hàng loạt trung tâm ngoại ngữ, văn hóa, các hộ kinh doanh cá thể… sau khi Thông tư 29 có hiệu lực trong khi nhân lực để thanh kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm còn hạn chế thì việc phát hiện vi phạm sẽ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng, bởi với dạy thêm ngoài nhà trường, phụ huynh đóng vai trò chủ động rất lớn trong việc đăng ký cho con theo học hay không, học với thầy cô giáo nào và học trong thời gian bao lâu… Phụ huynh cần nắm rõ và tuân thủ đúng quy định tại Thông tư 29, chẳng hạn không dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Quy định tại Thông tư 29 nêu rõ về đối tượng dạy học, nội dung dạy học, trách nhiệm của hiệu trưởng tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, trách nhệm của giáo viên khi dạy thêm… nên phụ huynh có thể cùng theo dõi, giám sát và phản ánh khi phát hiện vi phạm.

Để mùa hè trọn vẹn

Chị Vũ Quỳnh Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hè năm ngoái có đăng ký khóa học hè bán trú cho hai con tại một trung tâm ngoại ngữ gần nhà. Tuy nhiên, năm nay cả hai con đều từ chối tham gia vì thấy không có nhiều hoạt động yêu thích. Ngoài một số tiết học tiếng Anh với giáo viên người Việt và người nước ngoài, đa số thời gian còn lại là xem ti vi, đọc sách báo, vẽ tự do, ăn, ngủ… tại trung tâm nên không khác gì để các em tự do chơi ở nhà và đăng ký một lớp học tiếng Anh phù hợp.

“Chủ yếu là gia đình không yên tâm để con ở nhà mà không có người lớn, sợ con sa đà vào ti vi, điện thoại. Cũng một phần muốn con có thêm không gian học ngoại ngữ nên đăng ký khóa học. Nhưng khóa học hiệu quả không như kỳ vọng nên năm nay, tôi hỏi ý kiến và tôn trọng, tin tưởng kế hoạch các con đặt ra trong mùa hè. Trong đó chủ yếu là tự học thông qua phim ảnh, bài hát và một số khóa học miễn phí các con tìm được trên mạng” - chị Liên chia sẻ.

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng sau một mùa hè không động đến sách vở, con sẽ rơi rụng kiến thức nên chưa đến hè đã xây dựng lịch trình kín mít học tăng cường một số môn học còn yếu hoặc môn học có dự định thi chuyên, môn học sẽ thi chuyển cấp… Xen kẽ vào đó là lịch học kỹ năng sống, học bóng đá, học cờ vua, bơi lội, MC, nhảy hiện đại, học đàn, hát… với vô vàn sự lựa chọn mà lựa chọn nào cũng thấy cần, nên bổ sung với kỳ vọng con được phát triển toàn diện.

Chính vì vậy, mùa hè nghỉ học ở trường nhưng thực tế có em còn bận rộn, "chạy sô" hơn cả trong năm học. Trong trường hợp này, dạy thêm học thêm đều không vi phạm Thông tư 29, không nặng về điểm số, thành tích, cũng không nhà trường, giáo viên hay trung tâm nào ép buộc nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh của trẻ về một mùa hè tăng ca đến mệt nhoài vì chính sự kỳ vọng của cha mẹ.

Theo các chuyên gia, việc phụ huynh cho con tham gia các lớp học kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức trong thời gian nghỉ hè là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự đồng ý của chính các em học sinh mới đem lại hiệu quả vì chỉ khi các em hào hứng, hợp tác, việc học mới thực sự có ý nghĩa. Nếu bắt trẻ học quá nhiều, biến mùa hè trở thành mùa học thêm, các em không có thời gian nghỉ ngơi thì chỉ phản tác dụng.

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 15/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Trách nhiệm của ngành giáo dục là phải truyền tải đầy đủ nội dung các môn học trong giờ học chính khóa. Các lớp học thêm có thể làm gia tăng thành tích học tập cho người học, nhưng không đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển người học. Hãy thay các buổi “cày” học thêm bằng các hoạt động khác để giải phóng học sinh khỏi “cái xiềng” của thành tích học tập, của những kỳ vọng không hợp lý”.

Trường học ngay ngắn, dạy học lành mạnh là phải ngăn chặn việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức là quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu ngành giáo dục đang nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Một mùa hè đang tới gần. Học sinh nên được sum vầy cùng gia đình, gắn kết tình thân qua các hoạt động như du lịch, trải nghiệm cùng gia đình, bè bạn và trong chính cuộc sống hàng ngày với các công việc gần gũi nhưng trong năm học vì bận rộn bài vở chưa được làm, thực hành nhiều như nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc người thân…

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra, mùa hè sẽ là cơ hội tuyệt vời để dạy con cách kiểm soát thời gian, duy trì sự tập trung chú ý, để trẻ được tự quyết định và tỏa sáng theo cách của mình. Ví dụ, học sinh muốn học kỹ năng mới như cách sử dụng một nhạc cụ, hoặc ngôn ngữ mới. Cũng có thể con thích tham gia tình nguyện giúp đỡ nhóm yếu thế... Đó cũng là những việc mà cha mẹ nên khuyến khích con học trong hè.

Hà Nội yêu cầu không tổ chức dạy thêm cho học sinh trong dịp hè

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè năm nay. Trước kỳ nghỉ hè, Sở GDĐT Hà Nội vừa chỉ đạo trường học các cấp về việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho học sinh.

Bên cạnh bảo đảm an toàn trong chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, kém; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình hay ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2025-2026.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, cho biết sở khuyến khích các trường tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như thư viện, nhà thể chất... cho học sinh vào học tập, vui chơi. "Tổ chức các câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện, đúng quy định, tuyệt đối không bắt buộc, áp đặt học sinh tham gia dưới mọi hình thức" - ông Cương khẳng định.

Theo kế hoạch năm học 2024 - 2025 của Hà Nội, cấp mầm non, phổ thông sẽ kết thúc học kỳ 2 trước ngày 29/5 và kết thúc năm học trước ngày 30/5. Học sinh Hà Nội sẽ nghỉ hè từ ngày 29/5.

K.Thu

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mua-he-khong-hoc-them-10306561.html
Zalo