Mùa đông người bệnh tiểu đường cần chú ý 3 điều sau
Trong những năm gần đây số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… nhất là về mùa lạnh.
Nguyên nhân khiến đường huyết tăng vào mùa đông
Đường huyết có thể tăng khi nhiệt độ giảm, lý do vào mùa đông lạnh giá mọi người có xu hướng ít hoạt động hơn, từ đó dẫn đến nhu cầu glucose thấp hơn, có thể khiến mức đường huyết tăng lên.
Thời tiết mùa đông lạnh giá cũng làm tăng giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Những hormone này ảnh hưởng đến việc điều hòa insulin, làm giảm khả năng hấp thụ glucose từ máu của cơ thể. Từ đó dẫn đến tăng đường huyết, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Trong khi đó vào mùa đông thì mọi người thường thèm ăn nhiều chất đường bột (carbs). Điều này cũng có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Ngoài ra, các yếu tố của mùa đông khiến hệ miễn dịch suy giảm nên các virus, vi khuẩn dễ xâm nhập, làm người bệnh tiểu đường có thể nhiễm bệnh, từ đó khiến việc quản lý lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn, gây ra tình trạng tăng đường huyết.
Lưu ý chăm sóc bản thân cho người bệnh tiểu đường trong mùa đông
1. Cần chú ý đến kiểm soát đường huyết
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là hạn chế tối đa glucid (chất đường bột), điều này có tác dụng tránh tăng đường huyết, hạn chế các acid béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa.
Thực tế cho thấy chế độ ăn cho người tiểu đường không cần kiêng hoàn toàn chất đường, bột. Trong khẩu phần ăn vẫn có thể chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất xơ có lợi cho tiêu hóa cũng như làm đường huyết tăng chậm hơn.
Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa các món rán, xào... Không nên ăn hoặc hạn chế các loại đồ ăn như: Bánh mì, bánh ngọt, các loại mỳ, nui… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần giảm hoặc cắt cơm.
Điều đặc biệt chú ý vào mùa đông thường ngại đi lại, ăn uống nhiều hơn, vận động ít hơn dễ làm cho đường huyết tăng lên, khi không kiểm soát đường huyết được thì dễ gặp biến chứng.
Có những nghiên cứu đã chỉ ra, vào mùa đông những người bị đái tháo đường thường có chỉ số đường huyết, chỉ số Hbmc cao hơn mùa ấm áp. Để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần chấp hành tốt và quan tâm đến đời sống của mình.
Nếu ăn ngon miệng, muốn ăn nhiều hơn vào mùa đông thì người bệnh tiểu đường cần tập luyện nhiều hơn để tiêu hao bớt năng lượng đi.
2. Chăm sóc bàn chân tiểu đường rất quan trọng
Bệnh tiểu đường có thể gây ra loét bàn chân, cắt cụt chi. Bệnh nhân tiểu đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10 – 15 lần so với người không bị tiểu đường. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm những bất thường. Hãy chọn một thời điểm cố định trong ngày để kiểm tra chân. Chọn nơi có nhiều ánh sáng, có thể sử dụng gương để xem lòng bàn chân. Ở những vị trí bàn chân khó có thể nhìn thấy hoặc mắt người bệnh yếu thì cần nhờ người thân kiểm tra giúp.
Nhiều người có thói quen ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ để tốt cho sức khỏe, nhưng với người đáo tháo đường cần phải lưu ý ngâm chân đúng cách.
Người bệnh tiểu đường cần rửa kỹ bàn chân và kẽ ngón chân (dùng bọt biển hoặc khăn mềm rửa thật nhẹ nhàng). Rửa bằng nước ấm và xà bông trung tính. Không ngâm chân quá 5 phút. Sau khi rửa lau thật khô da và các kẽ ngón chân. Có thể dùng bột Talc để làm trơn da chân. Nếu da chân bị khô thì sử dụng kem làm ẩm da (không bôi kem vào kẽ ngón chân).
Trước khi ngâm chân vào nước nóng nên nhờ người khác thử độ nóng của nước rồi mới ngâm. Khi sưởi ấm cần nhờ người nhà thử độ nóng của lò sưởi để tránh bị bỏng.
3. Chú ý kiểm soát huyết áp
Người bệnh tiểu đường thường đi kèm bệnh cao huyết áp (70 – 80% người tiểu đường cũng bị cao huyết áp), tăng mỡ máu làm cho mạch máu bị co hẹp lại, đồng thời bị sơ cứng. Mùa đông lạnh càng làm cho mạch máu bị co mạnh hơn nên lượng máu cung cấp kém đi, gây tổn thương bàn chân và bệnh tim mạch. Nguy cơ co mạch và tăng huyết áp kết hợp khiến người bị đái tháo đường dễ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
Vì vậy, cần đo huyết áp liên tục ngày hai lần trước khi đi ngủ và buổi sáng, thậm chí đo cả ngày để tránh huyết áp tăng cao. Đặc biệt các cơn cao huyết áp đột biến không kiểm soát được thì nguy cơ tai biến thường khó lường.
Khi thấy mặt bừng bừng đỏ, người hơi chếnh choáng đó là dấu hiệu của tăng huyết áp. Lúc đó có thể uống thuốc ngay.
Người tiểu đường cao tuổi cũng dễ gặp nguy cơ biến chứng tim mạch, động mạch vành. Một số dấu hiệu báo trước như thấy nhói bên ngực trái. Dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên thì cần kiểm soát và sử dụng thuốc tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tóm lại: Bệnh tiểu đường có thể gây nhiều hệ lụy, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều, không tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của nhân viên y tế. Theo dõi đường huyết thường xuyên. Nên mang theo sổ sức khỏe bên mình.
Thường xuyên kiểm tra da để phát hiện các tổn thương da. Cắt ngắn móng tay, chân, chú ý không cắt quá sát, không cắt khóe. Mang giày đúng cỡ, không mang giày suốt ngày, không mang giày cao su, nhựa, không đi chân không.
Người bệnh nên tập những môn thể thao rèn luyện sự dẻo dai như đi bộ, dưỡng sinh, đi xe đạp, bơi lội.
Duy trì hoạt động thể lực ở mức cho phép. Tập luyện cần phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và sở thích cá nhân. Khi có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.