5 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần đặc biệt chú ý trong mùa đông
Trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Việc nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khi trời lạnh là rất quan trọng để có thể cấp cứu kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng.
Tại sao thời tiết lạnh lại làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Khi nhiệt độ giảm, các mạch máu co lại để giảm lượng máu lưu thông đến bề mặt da, giúp giữ nhiệt cho các cơ quan quan trọng bên trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng huyết áp và khiến tim phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ đột quỵ.
Thời tiết lạnh có thể làm tăng độ nhớt của máu, khiến máu dễ bị đông và hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể di chuyển đến não và gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ. Nhiều người ít vận động hơn khi trời lạnh, điều này có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch, đều là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
Một số đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ khi trời lạnh bao gồm: người cao tuổi (trên 65 tuổi) do mạch máu lão hóa, kém đàn hồi, dễ bị tổn thương; người mắc bệnh lý nền như cao huyết áp, bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, rung nhĩ...), tiểu đường, rối loạn mỡ máu; người có lối sống không lành mạnh.
5 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần lưu ý khi trời lạnh
Tê yếu mặt hoặc tay chân
Tê yếu mặt hoặc tay chân là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất của đột quỵ. Cảm giác này thường xuất hiện ở một bên cơ thể, ảnh hưởng đến mặt, tay hoặc chân. Người bệnh có thể cảm thấy khó cử động, khó kiểm soát các chi, hoặc có cảm giác như kiến bò, kim châm.
Một bên mặt có thể bị xệ xuống, miệng méo sang một bên, đặc biệt rõ khi người bệnh cố gắng cười. Người bệnh gặp khó khăn khi nâng cả hai tay lên qua đầu cùng lúc. Một tay có thể yếu hơn hoặc không thể nâng lên được.
Rối loạn ngôn ngữ
Đột quỵ ảnh hưởng đến vùng não kiểm soát ngôn ngữ có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh có thể nói ngọng, nói lắp, phát âm không rõ ràng, hoặc hoàn toàn không thể nói được. Người bệnh gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác, dù họ có thể nghe rõ. Sử dụng từ ngữ sai, nói nhảm, hoặc không thể tìm được từ ngữ phù hợp để diễn đạt ý muốn.
Rối loạn thị giác
Các vấn đề về thị lực cũng là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cần được lưu ý. Thị lực giảm sút đột ngột ở một hoặc cả hai mắt, có thể kèm theo nhìn mờ, nhìn đôi, hoặc mất thị lực một phần có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quy. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể mất hoàn toàn thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Góc nhìn bị thu hẹp, người bệnh chỉ nhìn thấy được một phần của cảnh vật.
Chóng mặt, mất thăng bằng
Người bị đột quỵ thường có cảm giác mất thăng bằng, lâng lâng, đầu óc quay cuồng, như sắp ngất xỉu. Một số trường hợp gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác, di chuyển loạng choạng, dễ vấp ngã. Nhiều người bệnh thường có cảm giác mất phương hướng, không gian xung quanh chao đảo.
Đau đầu dữ dội
Đau đầu dữ dội là một trong những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ xuất huyết. Cơn đau đầu thường xuất hiện rất đột ngột và dữ dội, không có dấu hiệu báo trước. Mức độ đau thường rất mạnh, được mô tả là đau đầu dữ dội nhất mà người bệnh từng trải qua.
Đau đầu có thể lan tỏa khắp đầu hoặc tập trung ở một vùng nhất định, thường kèm theo các triệu chứng khác của đột quỵ như yếu liệt mặt, tay chân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thị giác, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Nếu bạn gặp phải cơn đau đầu dữ dội, đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng khác của đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là vàng trong điều trị đột quỵ.