Mùa chua thơm thảo

Me nấu chua. Me dầm cá kho lạt. Me trộn muối ớt, muối sả. Me rang cua, rang ghẹ... Bao đời me lớn me nhỏ ra đi chỉ còn một bài học không ai làm giàu nhờ vườn me.

Má nói cây me bên hè ngã rồi con. Rễ nó bị hư. Nó đè sập cái chuồng bò nhà chú Tám. Cây me ngã rồi thì thôi. Không nghe nói ý định trồng cây me mới. Me lâu lắm mới có trái mà mỗi mùa thu hoạch thì bẻ trần thân mới bán được đôi ba trăm ngàn. Nhìn người leo me má nghĩ tới chuyện rủi ro này nọ. Vì người ta nói me là nơi chứa nhiều âm khí, nơi ma cất nhà quỷ xây lâu đài cho con đàn cháu đống. Thôi khỏi trồng me khỏi mất công lo, kinh tế gia đình cũng chẳng hề hấn gì bởi cái trái chua lè chua lét đó.

Tôi thẫn thờ đi qua cây me duy nhất gần chỗ dạy. Me thả những chiếc lá nhỏ vào vai áo tôi. “Tôi hô biến khỏi hành tinh này nghe bạn. Vì tôi vô dụng”.

Tuổi thơ của tôi lắc đầu nguầy nguậy. Không không. Không có bạn trên đời, tụi tôi lấy gì để tứa nước miếng mỗi khi nhìn chén muối ớt. Cái cảm giác len lén leo cây me của người chú trong xóm, cầm trọn trái me tươi giòn chua lìm lịm trong tay thấy như đất trời ào ạt sự sống. Như là vị giác đang nhảy nhót giữa dòng suối róc rách mát lành. Chanh cũng chua, khế cũng chua nhưng cái gợi thèm nó không giống me. Phải chăng còn cả giòn. Phải chăng cái kiểu rào rạo ê ẩm quai hàm mới làm nên mùa chua khác biệt. Nghe ớn nghe ê nhưng chỉ vài hôm sau khi nắng tràn lên xóm, khi cái nóng nhiệt đới rang giòn từ sớ da sớ thịt, người già phe phẩy quạt mo, trẻ con thì nghe thèm những trái me tươi.

Không cần tưới nước, không cần bón phân, cứ thế me có khắp nơi.

Không cần tưới nước, không cần bón phân, cứ thế me có khắp nơi.

Nhớ một mùa me tôi với nhỏ bạn người Chăm ngồi kỳ công lột vỏ từng trái me xanh ngâm đường mang vô lớp. Hai đứa hì hụi đạp xe qua những dằn xóc của con đường đất ven sông Hậu rồi qua chuyến phà nhỏ Châu Giang, chen lấn giữa xe cộ và người của thị xã biên giới Châu Đốc. Tới trường hai đứa nhìn lại bịch me chỉ còn cái quai. Một bữa tiệc me ngâm đường thành hư ảo nhưng mấy mươi năm hai đứa vẫn cứ nhớ hoài. Có lẽ cơn thèm vị chua chua ngọt ngọt vẫn còn đâu đó.

Nội hay nói “mày ăn chua cho đã đi, mất máu đó con”. Mất máu hay gì thì nhìn trái me cong cong với lớp thịt xanh giòn chua lét chua lè ai cũng tứa nước miếng. Vì sao cơ thể lại tiết ra quá nhiều enzyme cho một loài trái cây quê trân quê trất? Nó rẻ tiền nhưng nó gắn bó. Nó đồng hành cùng bữa ăn. Cứ me chín lột vỏ bỏ hột trộn chút muối để dành được cả năm.

Gốc me là ký ức những câu chuyện ma. Ma thực hay giả nhưng âm tính của me là có thực. Vị chua xua tan cái nóng của buổi trưa cực dương của xứ nhiệt đới oi nồng. Tôi không sợ âm tính của me mà chỉ thấy me ngon trong từng bữa ăn.

Me nấu chua. Me dầm cá kho lạt. Me trộn muối ớt, muối sả. Me rang cua, rang ghẹ.

Cầm trọn trái me tươi giòn chua lìm lịm trong tay thấy như đất trời ào ạt sự sống. Ảnh: CTV

Cầm trọn trái me tươi giòn chua lìm lịm trong tay thấy như đất trời ào ạt sự sống. Ảnh: CTV

Lúc thèm me món này, lúc thèm me món nọ. Me làm mứt không qua được những hũ me ngâm đường. Me ngâm đường chua chua ngọt ngọt lưu trữ ngắn ngày nên hiếm và nó gợi nhớ thương.

Những gốc me cổ thụ dần dần cũng bị hạ vì hái khó. Bao đời me lớn me nhỏ ra đi chỉ còn một bài học không ai làm giàu nhờ vườn me. Vậy mà bất cứ lúc nào ra cái xe hàng bông hỏi một cái là có me với mớ rau đẫm tinh dầu nấu chua. Mùa nghịch me khô; mùa thuận me non, me già.

Me ở đâu ra?

Me lăn lóc đâu đó bên chái bếp. Khi má dầm gói me trong tô nước sôi lấy thịt nấu chua còn hột đổ ra hè. Những hột me chẳng hề hấn trong màu nước trăm độ. Nó ngủ lăn lóc suốt mùa hạn rồi lăn lóc dưới đáy lũ suốt mùa nước nổi linh binh. Khi nước giựt, me nước, me chua, điên điển trở mình nẩy chồi đồng loạt. Không cần tưới nước, rễ me cũng tự len trong cát trong đất mà sống. Mùa nào cũng có những cây me con lây lất sống. Nước lên cao nó rụng sạch lá ngủ nước. Những cây me may mắn mọc được trong những năm nước nhỏ liên tục hai mùa là nó cao huốt đầu người, lây lất qua mùa kế tiếp dễ dàng. Không cần tưới một giọt nước, không cần bón một hột phân. Sâu kệ sâu. Cứ thế me có khắp nơi, cứ thế me trường tồn trong dòng hương thơm thảo của nồi canh chua của má của ngoại.

Cứ thế me hòa vào mỗi phận người chìm nổi xứ mình. Trong tôi có me, trong me có hồi ức của ta từ ngàn đời và ngàn đời sau nữa.

Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mua-chua-thom-thao-47664.html
Zalo