Hấp dẫn 'Đêm Võ đài Bình Định'
Đến Bình Định du lịch, hàng ngàn người dân và du khách đã được tận hưởng 'Đêm Võ đài Bình Định' đang diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn.

Võ sinh, kiện tướng quốc gia Lê Quang Nhật – Võ đường Hồ Bé với bài Mãnh hổ quyền
Trước khi các trận thi đấu võ đài được diễn ra người dân và khách du lịch đã được thưởng thức các tiết mục biểu diễn đặc sắc đến từ các võ đường, CLB Võ cổ truyền nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đầu tiên là tiết mục bài Mãnh hổ quyền do kiện quốc gia Lê Quang Nhật – Võ đường Hồ Bé biểu diễn. Nhưng qua phần giới thiệu của bình luận viên, du khách đã hiểu thêm về Võ đường Hồ Bé – huyện Tây Sơn, là một trong những lò võ tiêu biểu của tỉnh Bình Định.

Bài Ngọc Trản Quyền trứ danh của đất Võ Bình Định được biểu diễn của 2 kiện tướng quốc gia Diệp Quốc Thắng và Nguyễn Trúc Anh Ny
Trải qua 3 thế hệ, Võ đường Hồ Bé đang gìn giữ và bảo tồn những bài quyền quý, những đòn thế tinh hoa mang đậm tính bản sắc, tính đặc trưng của vùng đất khởi nguồn của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thể kỷ thứ XVIII.
Đưa du khách đến thêm với sự hào hứng, bởi các tiết mục biểu diễn của CLB Võ thuật Chùa Long Phước - là một trong 6 lò võ tiêu biểu của tỉnh Bình Định. Nơi đây được lựa chọn là nơi du khách có thể tham quan và trải nghiệm Võ cổ truyền Bình Định khi có dịp ghé thăm.
Nói thêm về CLB Võ thuật Chùa Long Phước, ông Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định cho biết, Chùa Long Phước được xem là một địa điểm rất nổi tiếng, nơi lưu giữ nhiều bài thảo về các bài quyền cổ được ví như “Tàng kinh các” của Võ thuật Bình Định, cũng như được biết đến là “Thiếu Lâm Tự” ở Việt Nam.
Ở “Đêm Võ đài Bình Định” phần được các du khách mong đợi, hào hứng nhất là các trận đấu giữa các võ sĩ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, một người con gốc Bình Định xúc động chia sẻ: Xem các trận đấu hôm nay, tôi thật sự tự hào vì Võ cổ truyền Bình Định không chỉ giữ được bản sắc dân tộc mà còn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khi thấy các võ sĩ trẻ thi đấu hết mình, tôi xúc động lắm, như thấy lại tinh thần hào kiệt của ông cha thuở trước.

Trận đấu đầy kịch tính của 2 võ sĩ Trần Duy Anh (góc đài đỏ) và Trần Phạm Vũ Việt (góc đài xanh)
Ông Hòa cũng đặc biệt ấn tượng với tinh thần thượng võ của các võ sĩ. “Điều tôi thích nhất là dù thắng hay thua, họ đều cúi chào nhau rất trân trọng, đúng chất thượng võ”, ông Hòa nói.
Đứng dưới khán đài, chăm chú xem từng đòn thế của các võ sĩ, anh Lê Minh Tuấn, một người hâm mộ võ cổ truyền đến từ Phù Cát (Bình Định) hào hứng cho hay: “Không khí trên khán đài cực kỳ sôi động. Mỗi đòn thế thi đấu tung ra là một lần tim tôi như muốn ngừng đập. Đối với tôi, đêm nay là một bữa tiệc võ thuật thực thụ.
Tôi hồi hộp nhìn theo từng đòn cưới, rồi đến từng cú phản đòn đầy kỹ thuật và cảm nhận lối đánh quả cảm của các võ sĩ tham gia thi đấu”.
Còn chị Lý Thị Hạnh, một du khách đến từ TP.HCM cảm xúc: Tôi và gia đình có dịp đến TP Quy Nhơn du lịch và khi biết đêm nay có chương trình “Đêm Võ đài Bình Định”, chúng tôi đã không bỏ lỡ.
Điều làm chị Hạnh ấn tượng nhất là tinh thần thi đấu trung thực, cống hiến của các võ sĩ khiến người xem thực sự khâm phục. “Đây cũng là dịp để các con cháu hiểu thêm về tinh hoa văn hóa dân tộc qua võ cổ truyền Bình Định”, chị Hạnh chia sẻ.
Ngày 31.3 vừa qua là một ngày vô cùng ý nghĩa của Võ cổ truyền Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép gửi hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét, đưa di sản văn hóa phi vật thể “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Rất đông người dân và du khách đến xem và cổ vũ cho “Đêm Võ đài Bình Định”
Đây là một vinh dự và là niềm tự hào vô cùng lớn lao của mọi người dân Bình Định. Với người dân Bình Định việc được thực hành và luyện tập võ thuật không chỉ nhằm tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách để trau dồi, truyền dạy tâm tính, đạo đức, giá trị, và triết lý, đạo lý sống của cộng đồng.
Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn thể thao, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự lực, tự cường là đỉnh cao trong Văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt.
Những bài quyền, thế võ, võ y, võ đạo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện đậm đà bản sắc của vùng đất và con người Bình Định.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Bình Định tin rằng, tối nay 2.5, chương trình “Đêm Võ đài Bình Định” trở lại tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn là dịp để nhân dân và du khách hiểu thêm về một di sản văn hóa độc đáo trên vùng đất được mệnh danh “đất võ, xứ văn chương” quê hương của vị anh hùng dân tộc áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ.