Khu vực đường Ngô Gia Tự, quận 10 được xem là phố nội thất sầm uất của TP.HCM, khi trải dọc hai bên đường có hàng trăm cửa hàng chuyên kinh doanh đồ nội thất, vật dụng trang trí.
Thông thường, tháng cuối năm là thời điểm rộn ràng nhất đối với con phố này, khi nhu cầu mua sắm nội thất, trang trí nhà cửa để đón Tết tăng cao. Lúc này, các hàng quán cũng tranh thủ chuẩn bị tân trang để khai trương dịp năm mới. Thế nhưng năm nay, dù ngay mùa cao điểm, phố nội thất lại rơi vào cảnh vắng vẻ lạ thường, không khí trầm lắng chưa từng có.
Các tiểu thương tại phố nội thất tâm sự, mọi năm, tầm này khách ra vào không ngớt, còn năm nay, dù hàng hóa trưng bày ngập tràn, sản phẩm đa dạng mẫu mã, giá cả hợp lý vẫn chẳng thấy ai hỏi mua.
30 năm gắn bó với nghề kinh doanh trên phố nội thất, anh Vĩnh Phú (50 tuổi) cho biết: “Thời điểm cận Tết luôn là lúc khách ghé đến tiệm mua sắm tấp nập, tuy nhiên năm nay tình hình buôn bán ảm đạm hẳn. Tình trạng này đã diễn ra từ sau đại dịch Covid-19, việc kinh doanh càng ngày càng khó khăn”.
Cửa hàng của anh Phú chuyên sản xuất các sản phẩm như bàn kính, kệ tivi, bàn sofa, gương,.. Vào thời điểm năm trước, anh thuê thêm hai nhân công để kịp hoàn thành đơn hàng giao cho khách vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay chuyện kinh doanh không còn thuận lợi, anh đành cắt giảm nhân sự, chỉ còn hai anh em trong gia đình đảm nhiệm toàn bộ công việc.
Thế nhưng khi hỏi về dự định trong thời gian tới sẽ làm gì để vực dậy doanh số, anh Phú cũng chỉ biết lắc đầu vì chẳng còn cách nào ngoài việc ráng “gồng” cho qua ngày. “Tôi đã gắn bó với nghề kinh doanh trên phố nội thất nhiều năm, bây giờ nếu nghỉ công việc này thì thật sự cũng chẳng biết làm gì để kiếm thu nhập”, anh bộc bạch.
Kế đó, tiệm chuyên đồ mộc của bà Mười (60 tuổi) cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự. Khi nhắc đến tình hình kinh doanh trong năm qua, bà Mười dùng hai từ “te tua” để miêu tả.
Bà tâm sự: “Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mọi ngành nghề, trong đó có ngành nội thất. Năm ngoái buôn bán đã chật vật, năm này còn chật vật hơn.”
Nhớ về thời hoàng kim trước năm 2021, bà Mười bùi ngùi kể: “Khi đó, không khí mua sắm trên phố nội thất nhộn nhịp, rôm rả. Khách ghé đặt hàng liên tục khiến tiểu thương làm không kịp tay, thậm chí không có thời gian nghỉ trưa. Bây giờ, những người kinh doanh chỉ ngồi ngóng khách “dài cổ” mà chẳng thấy ai ghé”.
Dù tình hình kinh doanh không khả quan nhưng bà Mười cũng nhẹ nhõm phần nào so với các hộ khác vì kiot là của gia đình, bớt nỗi lo phải đóng tiền thuê mỗi tháng. “Mặt bằng trên tuyến đường Ngô Gia Tự có mức thuê ít nhất từ 20 triệu/ tháng. Bây giờ có khi cho thuê mặt bằng còn lãi hơn tự mở tiệm kinh doanh”, bà nói.
Không chỉ các cửa hàng chịu cảnh vắng khách, những người làm nghề chở hàng thuê quanh phố nội thất cũng rơi vào tình trạng ế ẩm theo. “Ngày trước, mùa Tết không có thời gian nghỉ ngơi, ăn cơm vì phải liên tục chở hàng cho khách. Vậy mà bây giờ, có khi cả tuần lễ, ngồi đợi không có một khách gọi xe chở hàng”, ông Mỹ (54 tuổi) hơn 10 năm làm nghề chở thuê cho biết.
Với thâm niên 20 năm kinh doanh đồ nội thất trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, anh Phú (40 tuổi) chia sẻ: “Hiện nay kinh tế khó khăn khiến người dân ngại sắm sửa, đa số mọi người có gì xài đó để tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, việc bùng nổ của kinh doanh online đã tạo sự cạnh tranh, áp lực cho các cửa hàng kinh doanh truyền thống”.
Cửa hàng anh Phú chuyên đồ nội thất đa dạng như tủ, giường, bàn, ghế… phục vụ cả khách lẻ và các công trình xây dựng. Tuy nhiên, anh cho biết: “Nghề kinh doanh nội thất gắn liền với ngành xây dựng mà năm nay việc xây dựng hạn chế, công trình ít đi khiến người làm nội thất lao đao. Nhiều lúc 10 ngày trôi qua mà chẳng bán được món nào”.
Anh Phú cũng chia sẻ thêm, năm nay, dù vật tư tăng giá nhưng cửa hàng anh Phú vẫn cố gắng giảm giá các sản phẩm và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. Dù thế, tình hình không khả quan hơn.
Chi phí thuê mặt bằng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng cùng việc trả lương cho hai nhân viên phụ việc càng khiến anh Phú áp lực về tài chính. “Mùa cao điểm còn khó bán được hàng, sau Tết chắc tình hình kinh doanh sẽ càng ảm đạm hơn", anh thở dài.
NHẬT DIỄM