Mù Cang Chải: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học

Những năm qua, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong môi trường học đường, các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa nội dung xoay quanh các tiết mục văn nghệ, ẩm thực, trang phục và các điệu múa truyền thống của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua đó giúp các em học sinh phát triển năng khiếu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

Các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải quan tâm đưa bản sắc văn hóa dân tộc vào các hoạt động trải nghiệm để học sinh thêm tự hào về vẻ đẹp trong văn hóa của địa phương, dân tộc mình.

Các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải quan tâm đưa bản sắc văn hóa dân tộc vào các hoạt động trải nghiệm để học sinh thêm tự hào về vẻ đẹp trong văn hóa của địa phương, dân tộc mình.

Để xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học, thời gian qua, trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong một số môn học, hoạt động ngoại khóa truyền dạy cho học sinh về thổi khèn, múa khèn; thổi sáo; thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong trên vải…

Cùng với đó, tại các lớp học cũng được nhà trường bố trí những góc nhỏ để trưng bày giới thiệu các loại: nhạc cụ dân tộc, trang phục dân tộc; dụng cụ lao động; thêu thùa, văn hóa ẩm thực dân tộc Mông... Qua đó, giúp các thầy cô giáo và các em học sinh hiểu và trân quý những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục phát triển toàn diện.

Cô giáo Phạm Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha cho hay: "Nhà trường luôn coi công tác vảo tồn giá trị văn hóa dân tộc nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm. Qua những hoạt động trải nghiệm thực tế, các em học sinh thêm tự hào về vẻ đẹp trong văn hóa của địa phương, dân tộc mình”.

Để bảo tồn gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa, nhà trường dành 2 phòng để làm "Nhà bản sắc người Mông” nhằm để tăng cường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Mông. Đồng thời, tạo cơ hội để các em học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương. Em Giàng Thị Sê - Lớp 8A chia sẻ: "Qua các góc trưng bày trên lớp cũng như được tham gia múa khèn, múa khăn trong giờ thể dục của toàn trường, chúng em được biết, hiểu, trân trọng và yêu hơn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Có mặt ở Trường Mầm non Sơn Ca, xã Nậm Khắt vào đúng ngày các bé đang tham gia hoạt động trải nghiệm "Bé yêu bản sắc quê hương”. Các em bé mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, bé trai múa khèn, bé gái múa khăn Một đã mang đến không gian đầy sắc màu ấn tượng.

Cô giáo Dương Thị Anh -Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: "Là địa phương có hơn 90% đồng bào dân tộc Mông, do đó công tác bảo tồn văn hóa dân tộc trong những năm qua được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hoạt động trải nghiệm "Bé yêu bản sắc quê hương” được nhà trường tổ chức thường xuyên 2 lần/tuần với nhiều hoạt động để các bé trải nghiệm. Nhà trường cũng mời các nghệ nhân đến để dạy trẻ vẽ sáp ong trên vải, múa khèn mông và đan lát thủ công. Đồng thời, tổ chức phiên chợ vùng cao với các gian hàng bày bán các sản vật đặc trưng; các ngành nghề truyền thống cũng đã được tái hiện để các em học sinh được hòa mình và hiểu hơn nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao”.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Do đó, các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được huyện triển khai rộng khắp ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT. Đồng thời, các trường học cũng quan tâm lồng ghép, tích hợp giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào các môn học, các hoạt động giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, các câu lạc bộ bảo lưu văn hóa ra đời và hoạt động đều đặn; huy động các thầy, cô giáo là người bản địa có năng khiếu, am hiểu và những nghệ nhân, những người am hiểu sâu về văn hóa dân gian đến truyền dạy cho các em học sinh.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 95% là đồng bào dân tộc Mông nên để khơi dậy khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh, mỗi đơn vị trường học lại có cách vận dụng, sáng tạo theo nhiều hình thức khác nhau. Song, dù bằng cách nào thì việc được tiếp xúc thường xuyên với hoạt động văn hóa, học sinh sẽ nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc nói chung. Khi tình yêu văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng thì sẽ góp phần xây dựng nên những con người có nhân cách, ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/349115/mu-cang-chai-giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-tr111ng-truong-hoc.aspx
Zalo