Một số vấn đề xung quanh việc thực hiện Thông tư 29 đối với cấp tiểu học

Thực hiện Thông tư 29/2024/TT- BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm, tất cả các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã dừng hoạt động dạy thêm cho học sinh trong và ngoài nhà trường từ 14/2; các nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học 2024-2025.

Hiện nay, toàn tỉnh có 116 trường tiểu học với 2.360 lớp và 79.540 học sinh. Thời gian qua, 100% học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh được học 2 buổi/ngày và khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thực hiện dạy 32 tiết/tuần/giáo viên. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), định mức đối với giáo viên tiểu học chỉ là 23 tiết/tuần, vì thế, khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, hầu hết các giáo viên tiểu học đang dạy thừa giờ. Bằng nguồn huy động xã hội hóa dùng để chi trả tiền tăng tiết cho giáo viên tiểu học, thời gian qua, hoạt động giáo dục của các nhà trường cơ bản được duy trì ổn định nhưng khi áp dụng Thông tư 29, việc thu tiền của phụ huynh để chi trả cho tăng tiết phải dừng lại, bước đầu gây khó khăn cho các nhà trường.

Ông Đỗ Văn Bính, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm cho biết: Huyện Thanh Liêm hiện có 17 trường tiểu học, 1 trường liên cấp trung học cơ sở và tiểu học với tổng số giáo viên tiểu học 350 người. Trước kia, số tiền huy động hỗ trợ dạy tăng tiết cho các trường tiểu học là 15.000 đồng/buổi/3 tiết nhưng từ 14/2/2025 đến nay, qua việc thực hiện Thông tư 29, các trường không có khoản thu nào để chi trả cho các tiết dạy tăng so với định mức của giáo viên. Trong khi trên thực tế, các giáo viên vẫn phải duy trì việc dạy học 2 buổi/ngày. Trước vấn đề này, Sở GD&ĐT đã họp, thống nhất với các phòng GD&ĐT trong việc tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố về cách tính tiền chi trả giờ dạy thừa của giáo viên tiểu học bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm đã thống kê, tính toán và ước tính số tiền tăng tiết chi trả cho giáo viên các trường tiểu học từ 14/2/2025 đến hết năm học là trên 5 tỷ đồng. Hiện, ngành giáo dục và các trường trên địa bàn đang rất mong các cấp, ngành sớm có cơ chế để giải quyết vấn đề này…

Tiết dạy tiếng Việt lớp 4 tại Trường Tiểu học Thanh Sơn (Kim Bảng).

Tiết dạy tiếng Việt lớp 4 tại Trường Tiểu học Thanh Sơn (Kim Bảng).

Với huyện Thanh Liêm, giải pháp bước đầu mà Phòng GD&ĐT huyện thực hiện nhằm giảm áp lực cho các nhà trường khi Thông tư 29 ban hành là thực hiện giảm tiết dạy/tuần bắt đầu từ 10/3; giảm từ 10 buổi/tuần còn 9 buổi/tuần, không quá 7 tiết/ngày. Được biết, đây cũng là giải pháp chung ở các địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, điều dư luận xã hội quan tâm hơn khi Thông tư 29 có hiệu lực thi hành là quy định không dạy thêm, tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học; trong đó quy định rõ: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ Thông tư 29 cấm học sinh tiểu học không được học thêm! Với những gia đình có con em đang học lớp 5, nhất là các gia đình có nguyện vọng cho con thi vào lớp 6 các trường THCS chất lượng cao, khi các giáo viên phải dừng dạy thêm ngoài trường học theo Thông tư 29 khiến họ có nhiều lo lắng hơn. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) cho biết: Con tôi đang học lớp 5 và trong cả 4 năm học qua cháu đều được gia đình cho đi học thêm ngoài trường học do các giáo viên của trường dạy với mong muốn cháu có kết quả học tập tốt để có đủ điều kiện xét tuyển và tham gia kỳ đánh giá năng lực vào lớp 6 trường chất lượng cao của huyện. Tuy nhiên, đến lớp 5, sau học kỳ I, các cô giáo không tổ chức lớp dạy thêm và cháu không được đi học thêm nữa nên gia đình khá lo lắng, sốt ruột…

Thực tế, việc học thêm, dạy thêm được quy định trong Thông tư 29 không phải cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học, mà quy định dạy thêm có kèm điều kiện. Nếu các bậc phụ huynh cảm thấy con em mình cần bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức môn nào do lực học môn đó chưa đạt vẫn có thể thuê gia sư tự do đến dạy kèm, bởi, việc thuê gia sư là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và người dạy, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29.

Thầy giáo Phạm Trung Trực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Sơn, thị xã Kim Bảng chia sẻ: Với các hoạt động giáo dục của nhà trường đang thực hiện theo kế hoạch năm học này đủ để bảo đảm cho học sinh tiểu học phát triển phẩm chất, năng lực của mình đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Việc dạy thừa tiết của giáo viên chưa được nhận hỗ trợ không phải là điều quyết định hay làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các nhà trường. Cùng với đó, các quy định của Thông tư 29 hiện nay, theo tôi là rất phù hợp với học sinh tiểu học; học sinh đã học 2 buổi/ngày trên lớp nên các con không cần học thêm ngoài giờ nữa, hãy để các con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần sẽ tốt hơn…

Hơn một tháng thực hiện Thông tư 29, ngoài việc các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học 2024-2025 có thể nhận thấy tác động rõ nét nhất chính là việc dạy thêm cho học sinh tiểu học của các giáo viên ngoài trường học đã dừng lại. Tại các trường tiểu học, đội ngũ giáo viên đã và đang tập trung thời gian, trí tuệ cho công tác chuẩn bị, tổ chức những hoạt động giáo dục trên lớp; chất lượng giáo dục cơ bản vẫn được bảo đảm tốt.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/mot-so-van-de-xung-quanh-viec-thuc-hien-thong-tu-29-doi-voi-cap-tieu-hoc-155879.html
Zalo