Cô gái Việt giành giải nhất cuộc thi lịch sử 25 năm của Trường Kinh doanh Harvard
Phạm Hồng Linh (33 tuổi) vừa xuất sắc giành giải Nhất (Grand Prize) tại cuộc thi HBS New Venture Competition 2025 – hạng mục Doanh nghiệp Xã hội do Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) tổ chức.
Đây là một trong những cuộc thi khởi nghiệp danh giá và khắt khe nhất thế giới. Trong suốt 25 năm tổ chức, Hồng Linh là người Việt đầu tiên được vinh danh ở ngôi vị cao nhất, cùng phần thưởng trị giá 75.000 USD.

Cô gái Việt giành giải cao nhất tại cuộc thi của trường Harvard
Nhưng điều khiến câu chuyện của Linh chạm tới trái tim nhiều người không chỉ là giải thưởng, mà chính là sản phẩm mà cô và nhóm của mình đã âm thầm tạo nên: Lexi – phần mềm dịch thuật y tế thông minh, giúp bệnh nhân không biết tiếng Anh có thể giao tiếp dễ dàng với y bác sĩ trong bệnh viện.
Từ nỗi đau thầm lặng của người nhập cư...
Ý tưởng về Lexi không bắt đầu từ một phòng thí nghiệm công nghệ hay một bản kế hoạch kinh doanh hào nhoáng. Nó bắt đầu từ sự đồng cảm.
Tháng 1/2024, trong một bài tập nhỏ của lớp học về “Tương lai của người nhập cư lớn tuổi”, Linh và 3 người bạn – đều là người nhập cư đã đặt ra câu hỏi: “Gia đình, bạn bè của chúng ta đã gặp điều gì khó khăn nhất khi sống ở Mỹ?” Câu trả lời vang lên, rất quen thuộc nhưng cũng đầy xót xa: ngôn ngữ.
Không biết tiếng Anh, nhiều người Việt, đặc biệt là người lớn tuổi không thể diễn đạt được triệu chứng bệnh của mình, không hiểu bác sĩ nói gì, và đôi khi phải chịu đựng đau đớn trong im lặng vì không thể... giao tiếp. “Chúng tôi nhận ra, đó không chỉ là một vấn đề nhỏ. Đó là một rào cản sinh tử trong y tế,” Linh chia sẻ.

Phạm Hồng Linh, cô gái Việt tài năng
... đến phần mềm cứu người từ trái tim và công nghệ
Với quyết tâm thay đổi, nhóm của Hồng Linh đã lặn lội đến hơn 20 bệnh viện tại Boston để khảo sát, phỏng vấn, thử nghiệm. Họ phát hiện các bệnh viện rất thiếu phiên dịch viên, đặc biệt cho các ngôn ngữ ít phổ biến như tiếng Việt. Trong khi đó, các ứng dụng dịch hiện có thì không chính xác với các thuật ngữ y học chuyên sâu.
Trong 2–3 tháng, họ lập trình nên Lexi – phần mềm dịch bệnh viện với 6 ngôn ngữ phổ biến gồm: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt, Trung, Pháp và Nga. Đặc biệt, phần mềm này chuyên biệt cho y tế, tích hợp hàng nghìn thuật ngữ y học, được cập nhật thường xuyên nhờ phản hồi từ các bác sĩ.
Lexi có thể giúp bác sĩ hỏi bệnh, hướng dẫn dùng thuốc, giải thích các bước điều trị; đồng thời giúp bệnh nhân nói rõ triệu chứng, chia sẻ cảm xúc và mong muốn điều trị.
“Trong những tình huống cấp cứu, khi không có phiên dịch viên bên cạnh, Lexi thật sự cứu sống người bệnh,” bà Lee Kaplan, Giám đốc Viện Y học thể thao Đại học Miami, nhận định sau khi trải nghiệm Lexi từ những ngày đầu.
Tỏa sáng từ trái tim phụ nữ Việt
Lexi tiếp tục gây tiếng vang khi giành giải Vàng tại IF Design Award 2025, cuộc thi thiết kế hàng đầu thế giới bên cạnh các tên tuổi như Apple, Samsung, LG, IBM và Ferrari. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Berlin ngày 28/4 tới.
Với mong muốn biến sản phẩm thành hiện thực phục vụ cộng đồng, Linh mạnh dạn lập công ty và đem Lexi tham dự cuộc thi khởi nghiệp của Harvard. “Ban đầu, tôi chỉ muốn thử sức. Nhưng càng đi, càng tin. Và cuối cùng, chúng tôi chiến thắng", Hồng Linh cho biết.
Ngày 5/4 vừa qua, Linh lại một lần nữa được gọi tên khi nhận danh hiệu “Người phụ nữ của năm” do chính Đại học Harvard trao tặng.

Phạm Hồng Linh được Harvard trao danh hiệu Người phụ nữ của năm
Cô gái Việt - trái tim toàn cầu
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, Linh từng tốt nghiệp đại học danh tiếng Brown (Mỹ), sau đó học thạc sĩ Mỹ thuật tại Trường Nghệ thuật Hoàng Gia Anh – nơi đào tạo những nghệ sĩ, đạo diễn hàng đầu thế giới. Hiện cô đang là học viên chương trình thạc sĩ Kỹ sư Thiết kế (Design Engineering) tại Harvard.
Trước Lexi, Linh từng khiến cộng đồng thiết kế ngỡ ngàng với phần mềm “Dệt cói” – một sản phẩm lấy cảm hứng từ làng nghề dệt cói Quảng Nam, lưu giữ văn hóa Việt trong thời đại số.
Linh cũng từng làm trưởng nhóm thiết kế ô tô không người lái tại Mỹ nhưng cô gái ấy vẫn luôn hướng về cộng đồng, về cội nguồn và con người.
Lexi không chỉ là một phần mềm, đó là cầu nối của yêu thương, là minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh và tấm lòng người phụ nữ Việt nơi đất khách. Và câu chuyện của Linh – một người con Việt chính là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: Dù bạn ở đâu, làm gì nếu bắt đầu từ tình yêu thương con người, bạn sẽ tạo nên điều kỳ diệu.