IELTS 'mở đường' vào đại học: Thêm nhiều trường công bố cách quy đổi điểm
Xu hướng sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển vào đại học năm 2025 tiếp tục mở rộng khi ngày càng nhiều trường công bố phương án quy đổi điểm chi tiết, tạo thêm cơ hội cho thí sinh có lợi thế ngoại ngữ.
Năm nay, Học viện Ngoại giao tuyển sinh đầu vào theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế; xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm 2025.
Với phương thức xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế, ngoài các điều kiện chung theo quy định, thí sinh phải đáp có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 8.0 trở lên. Mức quy đổi theo thang điểm 10 của các chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế như sau:

Công thức tính điểm xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển (tối đa bằng 30) = A+B+C+D. Trong đó: A: là điểm quy đổi Chứng chỉ quốc tế/Bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế; B: là tổng của điểm trung bình cộng kết quả học tập 02 môn khác môn Ngoại ngữ (phải có môn Toán hoặc Ngữ Văn) trong tổ hợp xét tuyển của Học viện của 06 học kỳ lớp 10, 11, 12; C: là điểm khuyến khích của Học viện đối với thí sinh đạt giải Học sinh giỏi bậc THPT (nếu có); D: là điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT (nếu có).
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đối với các ngành đào tạo có sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy: SP Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, SP Toán (dạy Toán bằng tiếng Anh), SP Vật lí (dạy Vật lí bằng tiếng Anh), SP Hóa học (dạy Hóa học bằng tiếng Anh), GD Mầm non – SP tiếng Anh, GD Tiểu học – SP tiếng Anh, trường xem xét cộng thêm điểm ưu tiên (được quy đổi từ các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế) khi xét tuyển thẳng diện XTT2. Mức điểm ưu tiên (theo thang điểm 30) được quy đổi từ chứng chỉ Tiếng Anh như sau: Điểm IELTS 6.5 = 1; Điểm IELTS 7.0 = 2; Điểm IELTS 7.5 = 2,5; Điểm IELTS ≥ 8.0 = 3.
Mức quy đổi điểm IELTS của hơn 20 trường đại học như sau:

Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 do Bộ GD&ĐT ban hành, các trường đại học được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%. Như vậy, với tổ hợp ba môn và thang điểm 30, điểm ngoại ngữ sau khi quy đổi hay nhân hệ số được tối đa 15 điểm.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét, ví dụ tối đa 3 điểm trên thang 30. Đồng thời, các trường phải đảm bảo không có thí sinh nào có điểm xét tuyển (bao gồm cả điểm cộng và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) vượt quá mức tối đa. Điều này đồng nghĩa, nếu thí sinh đã đạt 30 điểm theo tổ hợp xét tuyển, việc có chứng chỉ ngoại ngữ gần như vô nghĩa.
Xu hướng sử dụng chứng chỉ IELTS trong xét tuyển đại học xuất hiện từ năm 2017 và ngày càng trở nên phổ biến. Những năm gần đây, khoảng 100 trường đại học từ khối kinh tế, kỹ thuật, y dược đến công an, quân đội đều áp dụng hình thức xét tuyển này.
IELTS là bài thi tiếng Anh chuẩn hóa phổ biến cho những người không nói tiếng Anh bản xứ. Bài thi này đánh giá bốn kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói của thí sinh trên thang 9 điểm. Theo dữ liệu về bài thi IELTS, công bố trên trang chủ IELTS, điểm trung bình IELTS của người Việt là 6.2/9.0 với bài thi Academic (học thuật), xếp thứ 29/39 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.