Xây dựng mạng lưới 'Đại sứ số' - Phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng

Xác định việc trang bị kỹ năng số (KNS) là 'chìa khóa' quan trọng để người dân tham gia một cách nhanh nhất vào quá trình chuyển đổi số (CĐS). Thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông và tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS.

Giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), sử dụng chữ ký số trên môi trường mạng.

Giáo viên Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), sử dụng chữ ký số trên môi trường mạng.

Bà Lê Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc trang bị KNS cho mỗi người dân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi KNS không chỉ là khả năng tìm kiếm, xử lý thông tin, sử dụng các công cụ trực tuyến phục vụ nhu cầu của bản thân mà còn giúp mọi người tham gia các hoạt động số một cách an toàn, hiệu quả, biết bảo vệ mình trước những rủi ro từ môi trường mạng. Do đó, thời gian qua, huyện đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn cách thức để người dân biết cách khai thác, sử dụng thông tin, hướng dẫn cài đặt một số ứng dụng, dịch vụ tiện ích trên môi trường mạng.

Việc phát triển hạ tầng số cũng được huyện quan tâm, hiện nay mạng cáp quang băng thông rộng đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, thị trấn trong huyện. 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; 37/37 xã, thị trấn có hệ thống phòng họp trực tuyến; tại bộ phận một cửa, toàn bộ thông tin, hồ sơ công việc của công dân được tiếp nhận, lưu trữ trên môi trường điện tử và chuyển liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý để giải quyết...

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã thành lập được 243 tổ công nghệ số cộng đồng/243 thôn, khu phố. Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục triển khai có hiệu quả các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ là điểm sáng của ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa trong thực hiện CĐS. Thầy giáo Lê Đăng Thành, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định CĐS sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Thời gian qua, khi nhà trường thực hiện CĐS, cán bộ, giáo viên đều bắt nhịp và thực hiện khá nhanh nhạy, thành thạo. Hiện nay, tại 18 phòng học trong trường đều đã trang bị đầy đủ ti vi có kết nối mạng internet phục vụ cho quá trình dạy và học. Cùng với đó, nhà trường đã tích cực triển khai học bạ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số, phần mềm kế toán, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt... Từ đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Với chủ trương CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm thì việc phổ cập KNS cho người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, trong những năm qua, huyện Thường Xuân đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn cài đặt một số ứng dụng, dịch vụ tiện ích phục vụ CĐS cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức về CĐS, KNS và đảm bảo an toàn thông tin mạng cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ công nghệ số cộng đồng.

Đồng thời, để đưa hoạt động CĐS đến gần hơn với người dân, huyện đã tập trung thực hiện CĐS trên các lĩnh vực ưu tiên, có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như: Lĩnh vực du lịch, ưu tiên triển khai du lịch thông minh, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu giới thiệu các khu điểm du lịch, các điểm tham quan, di tích lịch sử... Lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất gắn với chất lượng sản phẩm, quản lý chuỗi giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, xây dựng hình thành cơ sở dữ liệu quy trình sản xuất gắn với chất lượng sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của CĐS đã từng bước được nâng lên.

Xác định việc phổ cập KNS là “chìa khóa” quan trọng để người dân tham gia vào quá trình CĐS, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều cách làm, giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức số cho người dân. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã có tờ trình Dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét. Dự thảo kế hoạch tập trung vào một số nội dung chính như, triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” sâu rộng trên địa bàn tỉnh nhằm phổ cập tri thức cơ bản về CĐS, KNS cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình CĐS với phương châm “Người biết chỉ cho người không biết”; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của CĐS, công tác phổ cập KNS, khơi dậy động lực tự thân của mỗi người trong học tập, rèn luyện KNS; phong trào phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện KNS, tích cực tham gia vào quá trình CĐS...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-mang-luoi-dai-su-so-pho-cap-ky-nang-so-cho-cong-dong-244817.htm
Zalo